Xã hội

Vùng cực Nam thấp thỏm lo sạt lở, mùa mưa bão

Nguyên Du – Trung Kiên 21/07/2025 08:00

Cứ vào mùa mưa bão là tình trạng sạt lở bờ sông lại diễn biến phức tạp, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân ở tỉnh cực Nam Tổ quốc. Với địa hình sông ngòi chằng chịt, hầu hết các hộ dân sinh sống ở ven sông rạch, đây là vấn đề làm đau đầu ngành chức năng mỗi khi mùa mưa về.

ẢNH 1 Hiện trường vụ sạt lở bờ sông diễn ra giữa đêm khuya ngày 137 làm 5 căn nhà dân ở khóm 3, phường Giá Rai, tỉnh Cà Mau đổ sụp xuống lòng sông khiến nhiều người không
Hiện trường vụ sạt lở bờ sông diễn ra giữa đêm 13/7 làm 5 căn nhà dân ở khóm 3, phường Giá Rai, tỉnh Cà Mau đổ sụp xuống lòng sông. Ảnh: Nguyên Du

Sạt lở bủa vây, đe dọa đến đời sống người dân và nhiều công trình

Chỉ chưa đầy 1 tuần, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ lở đất nghiêm trọng. Nhiều căn nhà ở phường Giá Rai bị cuốn trôi xuống sông khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Gỡ những viên gạch còn xót lại của căn nhà sau vụ sạt lở kinh hoàng khiến toàn bộ căn nhà bị cuốn trôi xuống sông, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa (72 tuổi) ở khóm 3, phường Giá Rai vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Tối 13/7, tôi đang ngủ thì nghe tiếng chuyển động mạnh. Chỉ trong nháy mắt, căn nhà của gia đình bị đổ sụp xuống sông Gành Hào. Toàn bộ tài sản trong nhà bị kéo xuống sông. Nào là tủ lạnh, giường, tủ, bếp đều trôi hết xuống sông. Mấy ngày nay tôi không có gì nấu ăn, gạo cũng xuống sông hết rồi. Hàng xóm mới cho tôi nồi cơm điện để nấu ăn tạm…” - bà Hoa nói trong nghẹn ngào.

ẢNH 2 Bà Hoa gỡ những miếng gạch của căn nhà còn sót lại sau vụ sạt nghiêm trọng. Ảnh Nguyên Du.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa gỡ những miếng gạch của căn nhà còn sót lại sau vụ sạt nghiêm trọng.

Trước đó, rạng sáng 13/7, tại khu vực Khóm 3, phường Giá Rai đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến nhà và tài sản của 5 hộ dân bị cuốn xuống sông. Tổng diện tích phần nhà bị sạt lở của 5 hộ dân khoảng 179m², tổng thiệt hại tài sản khoảng 410 triệu đồng. May mắn không có thiệt hại về người. Nguyên nhân ban đầu được xác định, thời gian gần đây do mưa lớn kéo dài, nền đất thấm nước mềm, kết hợp với triều cường dâng cao rồi rút nhanh, kéo theo đất nền và phần móng nhà trôi xuống sông.

Không giấu được sự bất an, ông Trần Hữu Lợi, khóm 3, phường Giá Rai, một trong 5 hộ dân có nhà bị ảnh hưởng tình trạng sạt lở ở đây nhìn nhận, tình trạng sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại mà tiếp tục lan rộng sang những khu vực kế cận khi có thêm nhiều nhà dân ở đây bị sụp lún, tường nhà bị xé toạc. “Người dân khu vực này hầu hết đều không có đất, chỉ có duy nhất ngôi nhà, nếu di dời chúng tôi cũng không biết sẽ đi đâu’ - ông Lợi bày tỏ lo lắng.

Theo số liệu từ UBND tỉnh Cà Mau, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 50 vụ sạt lở, sụt lún đất ven sông chiều dài nhiều km, làm hư hỏng 42 căn nhà, nhiều cống, đầm tôm hư hỏng, tổng thiệt hại trên 16 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tiến hành xây dựng Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trong điều kiện tác động biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.

Hiện nay đã xây dựng xong Đề án và xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Sạt lở đang trở thành mối nguy thường trực tại nhiều khu vực ở Cà Mau. Những thiệt hại về hạ tầng giao thông, nhà cửa đang đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác ứng phó. Nếu không có những giải pháp căn cơ và dài hạn, sạt lở sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của địa phương.

Ông Lưu Quang Anh - Phó Chủ tịch UBND Phường Giá Rai, cho biết, chính quyền phương đã tiến hành cắm biển báo, đồng thời mở rộng phạm vi nguy cơ sạt lở trong bán kính 300m. Đối với 2 căn nhà đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở, địa phương đang vận động các hộ dân di dời tài sản có giá trị ra khỏi khu vực. Đặc biệt hạn chế đi lại, sinh hoạt ở khu vực này. Đồng thời, cử lực lượng thường xuyên túc trực, theo dõi để kịp thời xử lý khi xảy ra sạt lở.

Địa phương đã báo báo cáo vụ việc về UBND tỉnh, đồng thời, đề xuất tỉnh có những giải pháp ứng phó, khắc phục và hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Về lâu dài phải di dời ra khỏi khu vực xung yếu này để đảm bảo tài sản, tính mạng cho người dân.

Cân bằng giữa biện pháp công trình và công tác cảnh báo, di dời

Cà Mau có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều lợi thế trong phát triển nông và ngư nghiệp. Tuy nhiên cũng chính yếu tố địa hình này lại trở thành thách thức lớn mỗi khi mùa mưa bão đến. Toàn tỉnh hiện có hơn 400km bờ sông bị sạt lở, trong đó có hàng trăm điểm sạt lở nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân mà còn làm hư hỏng nhiều công trình hạ tầng trọng yếu.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở gần đây nhất ở Gành Hào và tình trạng sạt lở ở khu vực này Ths. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết: Nguyên nhân sâu xa nhất của hiện tượng sạt lở vùng này cũng tương tự như bối cảnh chung của ĐBSCL đó là do thiếu phù sa vì lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL đã suy giảm nghiêm trọng.

ẢNH 3 Sạt lở đất ven sông ở Cà Mau làm hư hỏng nhiều công trình do Nhà nước đầu tư, việc khắc phục hậu quả khá tốn kém.
Sạt lở đất ven sông ở Cà Mau làm hư hỏng nhiều công trình do Nhà nước đầu tư, việc khắc phục hậu quả khá tốn kém.

Trong bối cảnh đó, biện pháp ứng phó giảm thiệt hại là di dời người dân khỏi nơi nguy hiểm trước khi sạt lở diễn ra. Chính quyền các tỉnh đã có bản đồ những địa điểm rủi ro sạt lở cao. Điều này rất quan trọng nhưng tình trạng sạt lở vẫn còn xảy ra bất ngờ. Do đó, các cơ quan nhà nước nên tổ chức dùng thiết bị rà soát bờ sông hàng tuần tại các điểm rủi ro cao trên bản đồ trong các tháng 5-6-7 giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa để phát hiện kịp thời các “hàm ếch” mới hình thành để kịp thời báo cho người dân và hỗ trợ người dân di tản ngay. Việc rà soát và cảnh báo này không khó và không tốn kém với các thiết bị hiện đại.

Đối với người dân, cần có thông tin chắc chắn và sự hỗ trợ từ chính quyền thì việc di dời trước khi sạt lở diễn ra sẽ ít thiệt hại hơn khi sạt lở đã xảy ra rồi. Nhà nước nên có một chương trình hỗ trợ người dân di dời sớm khỏi những nơi rủi ro sạt lở cao trên toàn ĐBSCL, kèm theo là chương trình hỗ trợ ổn định sinh kế sớm cho người dân thay vì chỉ đầu tư vào các công trình đắt đỏ mà nhiều công trình đã tỏ ra không hiệu quả. Nên có sự cân bằng giữa biện pháp công trình và công tác cảnh báo, di dời. Công trình vẫn cần thiết cho để bảo vệ những nơi xung yếu không thể hoặc chưa thể di dời được, nhưng biện pháp công trình không nên được áp dụng tràn lan.

Khi nước biển thiếu phù sa thì khi thủy triều vào sông không có phù sa để lại cho bờ sông để bồi đắp mà nó còn rút bớt đáy sông mang ra biển để bù đắp năng lượng. Theo đó đáy sông ở vùng này đã sâu hơn so với trước đây. Đáy sông sâu đồng nghĩa với bờ trở nên cao hơn, nặng hơn và dễ sụp đổ.

Sạt lở ở vùng này thường xảy ra vào cuối mùa khô đầu mùa mưa, không phải do mưa lớn gây ra, mà là do vào lúc này lượng phù sa trong thủy triều đã không còn, nước trở nên trong và “đói” hơn. Vào những lúc triều kiệt, dòng chảy đã âm thầm bào mòn chân bờ sông, cắt đứt chân bờ, tạo ra những hàm ếch ngầm bên dưới mà người dân sống ở trên không hay biết đển khi toàn bộ khối đất bị trượt xuống sông.

(Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện)

Nguyên Du – Trung Kiên