Xã hội

Lâm Đồng triển khai biện pháp ứng phó bão, lũ quét và sạt lở

Thanh Nga 22/07/2025 12:00

Sáng 22/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết, do ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 3, toàn tỉnh đã ghi nhận có 19 địa phương (gồm 4 phường, 15 xã) bị thiệt hại do mưa, lốc xoáy xảy ra vào chiều 20/7, ước thiệt hại 3 tỷ đồng.

z6825990425009_02fa17c4aa2bf1ddbe5c915c2ac25234.jpg
Mưa to khiến nhiều nhà dân bị ngập lụt. Ảnh: Việt Bảo.

Trước đó, trong ngày 20/7 và rạng sáng ngày 21/7, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Wipha), trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có các vùng mây đối lưu phát triển gây ra mưa vừa, mưa to kèm theo dông, lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn kèm theo dông, lốc, gió giật mạnh đã làm nhiều cây xanh bị ngã đổ; nhiều căn nhà, trụ sở cơ quan, nhà kính bị tốc mái, hư hại; đường điện bị hư hại do cây xanh ngã đổ… Hậu quả có 1 người bị thương ở phường Phú Hài do bị tôn cắt; 30 căn nhà bị tốc mái, 1 căn nhà bị ngập.

Mưa, lốc xoáy cũng gây ngã đổ một số bảng hiệu, cổng chào tại xã Suối Kiết và Tà Hine; 11 trụ điện bị gãy đổ; 2 xe ô tô bị hư hỏng do cây ngã đè; có 0,3 ha nhà kính bị hư hỏng, thiệt hại về hoa màu, cây trồng đang được tiếp tục cập nhật.

z6825984657149_b1f2465a150aa63a6dc5cfa59561446c.jpg
Mưa lớn kèm theo dông, lốc, gió giật mạnh đã làm nhiều cây xanh bị ngã đổ. Ảnh: Việt Bảo.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó bão, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để chủ động ứng phó. Đối với các xã, phường ven biển, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu quản lý chặt chẽ tàu thuyền, thông báo kịp thời vị trí và hướng di chuyển của bão, hướng dẫn tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm và về nơi trú an toàn. Đồng thời, chủ động dừng hoạt động tàu cá, tàu du lịch và di dời dân ở khu nuôi trồng thủy sản, ven bờ đến nơi an toàn. Lực lượng, phương tiện cứu hộ phải sẵn sàng.

z6825977452255_9ca8338415c6ae11ec55259308ba3a6c.jpg
Mưa, lốc xoáy cũng gây ngã đổ một số bảng hiệu, cổng chào, xe ô tô bị hư hỏng do cây ngã đè. Ảnh: Việt Bảo.

Đối với đất liền, Chủ tịch tỉnh yêu cầu rà soát, sơ tán người dân khỏi khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở. Các công trình công cộng, nhà ở, nhà máy, kho tàng cần được chằng chống, gia cố. Giao thông tại ngầm tràn, khu ngập sâu phải được kiểm soát chặt, kiên quyết không để người và phương tiện đi qua khi không an toàn.

Các đơn vị quản lý thủy lợi, thủy điện phải vận hành xả lũ đúng quy trình, thông báo kịp thời cho địa phương và người dân vùng hạ du để chủ động phòng tránh. Lực lượng xung kích địa phương được kích hoạt theo phương châm “3 sẵn sàng”, “4 tại chỗ”.

Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan) chịu trách nhiệm tổ chức trực ban 24/24 để kịp thời phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn; kiểm tra, đôn đốc , tổng hợp báo cáo nhanh khi có diễn biến bất thường. Cùng với đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh duy trì đường dây nóng, tiếp nhận thông tin từ cơ sở.

Thanh Nga