Tinh hoa Việt

Vài khoảnh khắc nước Nga 2025

Hồng Thanh Quang 25/07/2025 15:24

1.Lẽ ra năm nay tôi đã sang Moskva vào ngày 8-5, trên chuyến bay thẳng đầu tiên được nối lại của Vi-etnam Airlines tới thủ đô nước Nga. Tôi đã rất vui khi nghĩ mình có cơ hội lại được xem duyệt binh trên Quảng trường Đỏ nhân kỷ niệm 80 năm Ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít. 10 năm trước, trong dịp kỷ niệm 70 Ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít, tôi cũng đã có mặt ở Moskva. Tuy nhiên trận ốm bất ngờ đã làm tôi mất cơ hội đó và phải tới gần cuối tháng 6, tôi mới được lại đặt chân lên đất Nga. Khi hay tin tôi định sang Moskva, một số người bạn đã khuyên tôi bỏ ý định vì theo họ, không nên đến những nơi đang bị de dọa bởi xung đột, chiến sự như thế…Nhưng tôi đã không nghe theo những lời khuyên này vì tôi muốn tự mình trải nghiệm những ngày không dễ dàng với miền đất mà tôi từng gắn bó trong những năm tuổi trẻ…

038a9694.jpg
Nhà thơ Hồng Thanh Quang (đứng giữa) chụp cùng đoàn khách du lịch Việt Nam trước trường Đại học MGU.

Trong thực tế, Moskva đã đón tôi trong không khí thực yên bình, như không hề có tiếng vọng gì cái gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt (SVO) vô cùng khốc liệt đang diễn ra ở Ukraina. Nắng mùa hè rực rỡ trên những vòm cây và trên những gương mặt người trên phố… Mọi sinh hoạt diễn ra như thế rất bình thường. Tới Quảng trường Đỏ vẫn đông khách vãng lai, nhiều người còn rất chịu khó xếp hàng để có thể vào Lăng viếng Lenin… Những bảo tàng mỹ thuật nổi tiếng như Tretiakovka hay Bảo tàng mang tên Pushkin ngày nào cũng tất nập khách tới thăm… Trong nhà bách hóa tổng hợp quốc gia (GUM), để được thưởng thức món kem nổi tiếng từ thời Xôviết, vẫn phải rất chịu khó xếp hàng để đến lượt mình…

Đó là những ấn tượng ban đầu, thoáng qua, nhìn từ bên ngoài vào. Sống ở thủ đô Nga một cách hòa đồng sâu sắc hơn, không thể không cảm nhận được những sự đổi khác ở Moskva so với trước đây. SVO đã diễn ra tới năm thứ tư rồi (từ tháng 2-2022) mà xem ra vẫn chưa thấy cơ hội để kết thúc. Để so sánh, có thể nhớ lại rằng cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô trước kia, trong thế chiến thứ nhất, cũng đã chỉ kéo dài gần hết năm thứ tư (từ tháng 6-1941 đến tháng 5-1945) thì kết thúc, tạo ra một bước ngoặt cực lớn trong lịch sử thế giới nửa đầu thế kỷ XX…

Người dân Nga hiện nay đã học được cách sống hòa bình trong điều kiện chiến tranh. Nền kinh tế Nga thích ứng được ở mức cao với điều kiện đất nước phải chịu những sự trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây nên cuộc sống ở đây không bị mất chất lượng quá nhiều. Vào các siêu thị vẫn ê hề hàng hóa dân dụng, kể cả ở tỉnh lẻ. Ngay cả ở những địa phương nằm ở phía Tây, trong vùng rất dễ dính chiến sự, mọi sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra theo nhịp sống quen thuộc đời thường. Người bạn vong niên của tôi, TS Sử học Piotr Tsvetov, ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn đứng trên bục giảng, kể rằng, cuối tháng 3 vừa rồi, ông đã được mời xuống giảng bài cho sinh viên ở thành phố Kursk. Tiết học đang ở thời điểm sôi nổi thì có báo động vì UAV Ukraina xâm nhập vào. Cả thầy và trò ngay lập tức xuống hầm trú ẩn nhưng dưới đó, tiết học vẫn được tiếp tục… Hết chương trình đã định, TS Tsvetov còn được ban giám hiệu trường mời dạy thêm một số chủ đề nữa trong điều kiện thời chiến… Trò chuyện với tôi, ông nhận xét, hình như càng gần nơi nguy hiểm thì tinh thần hiếu học của sinh viên Nga lại càng gia tăng. Ông cũng nói thêm, trong các học đường của Nga hiện nay, những phong trào vận động ủng hộ các chiến binh ngoài tiền tuyến đang được triển khai mạnh mẽ. Cũng như ở ngoài xã hội. Người dân Nga ý thức được rằng chính tinh thần chiến đấu quả cảm quên mình của những người lính ngoài chiến trường đang giúp cho hậu phương được yên bình hơn nên nghĩa vụ của người ở hậu phương là phải bằng mọi khả năng có thể giúp đỡ tiền phương… Trong diễn đàn “Tất cả vì chiến thắng” ngày 6-7 vừa qua, chính Tổng thống Vladimir Putin đã thông báo rằng người dân Nga đã góp tới 54 tỉ rúp ủng hộ cho các chiến binh đang tham gia SVO… Hôm tôi xuống thành phố Sergiyev Posad để thăm tu viện cổ ở đó cùng em trai một người bạn học phổ thông đã định cư tại Nga tới 36 năm và có quốc tịch Nga, khi đi qua chỗ một thanh niên mặc quân phục bị thương ở chân, đứng với hòm quyên góp ủng hộ thương binh SVO, cậu em tôi dù rất vội phải đi vẫn dừng lại móc túi lấy ra tờ tiền mệnh giá không nhỏ để bỏ vào hòm… Một cách tự giác và trân trọng… Hình như đó là cái cảm giác nghĩa vụ rất tự nhiên của người dân ở xứ sở Bạch dương trong những ngày tháng không dễ dàng này…

Chiến tranh không bao giờ là chuyện lành đối với những ai bắt buộc phải liên quan. SVO tiếng là diễn ra trên lãnh thổ Ukraina nhưng thực chất đã và đang tạo nên những dư chấn ngay cả ở những địa điểm nằm sâu trong nước Nga. Kiev rất biết cách chuyển lửa về phía đông. Cũng tại Sergiyev Posad, hôm chúng tôi tới thì rất yên lành nhưng ngay ngày hôm sau, đọc báo mạng, tôi đã thấy ngay tin về một “đám cháy khủng khiếp” do UAV Ukraina gây nên tại đó… Ngay sát hôm tôi chuẩn bị trở về Việt Nam, mối đe dọa từ UAV Ukraina đã lớn đến mức chính quyền ở Moskva đã phải quyết định dừng hoặc hoãn hàng trăm chuyến bay từ các sân bay dự định cất cánh ở thủ đô Nga… Hàng chục nghìn hành khách đã bị ảnh hưởng… Những mối đe dọa chết người là có thực…

TS Tsvetov nói với tôi rằng, người dân Nga bây giờ đang sống theo kiểu “trông chết cười ngạo nghễ” để chiến sự không ám ảnh quá nặng nề. Vậy nên đừng ngạc nhiên khi thấy sau báo động thì mọi việc lại trở về bình ổn rất nhanh…

2(5).jpg
Buổi giảng bài của TS Piot Tsvetov dưới hầm trú ẩn.

2. Năm 2014, khi bùng phát mâu thuẫn giữa Nga với Ukraina sau những chuyện diễn ra liên quan tới bán đảo Crym, tôi đã bột phát ngẫu hứng hai câu thơ: “Nước Nga đã khác xưa rồi, Thì ra ta chỉ yêu thời ta yêu…” Sự thật là hiện nay, LB Nga với tư cách quốc gia thừa kế di sản chính của Liên Xô cũ, trong cảm nhận của những người như tôi, vẫn giữ được những trữ lượng tình cảm hữu nghị rất lớn từ quá khứ. Trong một lần trả lời phỏng vấn với tôi, chính TS Tsvetov cũng nhận xét rằng, trong mối quan hệ giữa LB Nga với Việt Nam hiện nay, di sản quý báu từ quá khứ chính là những người ở cả hai nước vẫn đang gìn giữ những cảm xúc tích cực từ thời Xôviết dành cho nhau. Những cảm xúc tích cực đó cần được đưa vào các “chương trình nghị sự” để tiếp tục duy trì các mối quan hệ hữu nghị, cùng có lợi, cùng phát triển… Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, thời thế đã thay đổi quá nhiều. Trong xã hội Nga hiện nay, rất nhiều thuật ngữ và định chế dù vẫn được giữ như xưa nhưng nội hàm đã thay đổi… Lấy thí dụ như tờ báo Pravda mà TS Tsvetov từng là phóng viên (trong những năm 90 của thế kỷ trước, ông đã là phóng viên báo Pravda thường trú ở Đông Nam Á và Việt Nam). Sau khi Liên Xô tan rã, tòa soạn Pravda bị chia thành hai tổ chức, một dành cho những người không cho mình là người cộng sản nữa và một thuộc về Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) do ông Guennadi Zi-ugannov đứng đầu. TS Tsvetov cho tới gần đây vẫn hay viết cho tờ Pravda của KPRF những bài nói về Việt Nam, đất nước mà ông luôn yêu quý, trân trọng và có những thông tin thời sự thiện chí nhất. Tuy nhiên, theo ông, KPRF hiện nay cũng khó có thể đồng nhất với tinh thần của Đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS) trước kia. Tôi nghĩ thế cũng phải lẽ vì ở đâu cũng vậy, tuy tên gọi có vẻ giống nhau nhưng mỗi giai đoạn thì lại cần một phong độ thích ứng kiểu mới cho những lý tưởng truyền thống. Nhưng cũng chính vì thế nên không ít những cựu đảng viên KPSS hiện nay không coi mình là thành viên của KPRF. Khi tôi hỏi TS Tsvetov, ông có còn là người cộng sản không thì ông đáp, về quan điểm thì tôi vẫn là người cộng sản nhưng tôi không là đảng viên của KPRF… Tháng 6-2016, tôi đã từng có cơ hội được trực tiếp trò chuyện và chụp ảnh cùng ông Zyuganov. Tôi nhớ, ông Zyuganov đã không hề giấu giếm là ông theo Chính giáo và thường xuyên tới nhà thờ. Ông còn nói rằng, chúa Jesus có những quan điểm rất mang tính cộng sản. Khi chia tay với những người bạn Việt Nam, ông Zyuganov đã tặng chúng tôi túi quà nhỏ với đảng kỳ của KPRF, bản chụp số báo Pravda ra ngày 13-4-1961 (ngày Yuri Gagarin bay lên vũ trụ) và một phong sôcôla mang chính tên ông. Ông nói đùa: “Đây là loại sôcôla duy nhất trên thế giới mà khi ăn vào thì tinh thần đấu tranh giai cấp của ta chắc chắn sẽ được nâng cao…”.

3. Trong những ngày ở Nga vừa qua, tôi đã dành khá nhiều thời gian để lang thang vào các hiệu sách lớn tại Moskva và Saint Peterburg. Và tôi đã nhận thấy một điều, ở thời điểm hiện nay, tại đó đã xuất hiện khá nhiều sách theo tư duy khác trước viết về Piotr Đại đế… Có những tập sách mới được bày trang trọng viết về Piotr Đại đế mà tác giả của nó là ông Vladimir Medinsky, trợ lý của Tổng thống Nga, Chủ tịch Ủy ban Liên bộ về giáo dục lịch sử Nga, người được cả thế giới trầm trồ thán phục vì sự hiểu biết lịch sử sâu sắc và nhiều ẩn ý trong cuộc thương thảo với phái đoàn Ukraina tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua… Có vẻ như người ta đang chuẩn bị làm sâu dày thêm trong tâm thức Nga ở giai đoạn mới những ý tưởng tôn vinh những ai đã từng góp phần làm sáng danh thêm sự vĩ đại và vượt trội của tinh thần Nga la tư… Phải chăng cũng là một cách tiêm vắc xin tự vệ cho tinh thần ái quốc trong điều kiện nước Nga hiện nay?!

Hồng Thanh Quang