Tinh hoa Việt

Khói lam ngày cũ

Phạm Thanh Tâm 26/07/2025 09:12

Chiều nay, trong lúc chờ cơm, tôi lướt điện thoại tình cờ bắt gặp một bức ảnh chái bếp cũ – nơi khói lam quyện tròn bay lên mái lá, nơi những chiếc rá nấu là những chảo gang thủng đáy treo lặng lẽ quanh bếp. Chỉ một khoảnh khắc vậy thôi mà cả một miền ký ức bỗng ùa về, xốn xang đến nghẹn ngào…

Bà tôi hiện lên giữa làn khói ấy. Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười hiền lành, mái tóc bạc quyện lẫn vào trong bảng lảng sương chiều. Cứ mỗi lần ký ức chạm ngõ, tôi lại thấy cả nhà mình quây quần bên bếp nhỏ, bên rổ khoai lang, khoai sắn luộc, giữa tiếng củi reo tí tách và hơi ấm lan tỏa từ đôi bàn tay bà.

Gian bếp chỉ là một chái nhỏ cơi thêm bên hông nhà, vách làm bằng cây rừng đan buộc, trét đất sét trộn rơm rạ, mái lợp lá dừa khô. Qua bao mùa mưa nắng, những góc tường quanh ba ông đầu rau bị khói ám đen sì, cả mái lá cũng ngả sang màu tro xám.

Nhưng bếp nhà bà không chỉ là nơi nhen lên ngọn lửa. Đó là hơi thở của bữa cơm, là dấu vết của thời gian, là vòng tay âm thầm ôm ấp cả nhà qua những mùa đông rét mướt.

Cứ mỗi lần bà nhóm bếp, khói lại cuộn lên rồi lan dần khắp không gian, vấn vít quanh cây cột, len lỏi qua mái lá mà vờn bay lững lờ. Tôi hay ngồi nhìn theo làn khói ấy, ngẩn ngơ tự hỏi: Không biết khói bay đi đâu? Có khi nào lên trời rồi hóa thành mây không? Bà xoa đầu tôi, mỉm cười: “Mây cũng từ bếp mà ra đó, con à.”

Câu nói ấy theo tôi suốt những năm tháng sau này. Bởi quả thật, sáng sớm hay chiều muộn, khói lam cứ lững lờ trôi, chẳng ai phân biệt nổi đâu là khói, đâu là mây. Cả bầu trời như ngừng lại, chỉ còn lại một điều gì đó rất ấm và rất buồn, trôi qua trước mắt.

Bếp nhà bà đỏ lửa mỗi ngày ba bận. Củi cháy đượm khói, nhuộm lên vách tường, lên xoong nồi, và cả vào giấc ngủ tuổi thơ tôi.

Món nào bà nấu cũng đơn sơ mà đậm đà. Nhà nghèo, nhưng bữa cơm bà nấu luôn đầy đủ, sạch sẽ. Không chỉ là bữa ăn, đó còn là một cách sống. Bà thường bảo: “Nấu cơm là nấu cả sự tử tế.”

Tôi rất thích được làm bếp cùng bà. Có bà, gian bếp như ấm lên hẳn, nhất là những ngày đông lạnh, khi khói bếp vờn quanh, mềm mại như vòng tay mẹ, ôm trọn cả tuổi thơ tôi.

Tôi nhìn bà mà cảm thấy như đang sống giữa một câu chuyện cổ tích, nơi có bà tiên áo khói đang lặng lẽ dạy tôi cách sống bằng đôi tay và lòng kiên nhẫn.

Ba mẹ đi làm đồng suốt ngày, chị em tôi lớn lên trong hơi thở của gian bếp ấy. Bà đóng đinh lên vách để treo từng chiếc nồi đã được chùi sáng bóng. Nắp nồi thì bà buộc dây thừng căng ngang, móc lên gọn gàng. Có khi vừa rửa xong, bà treo luôn lên thân cây dừa gần ảng nước, vừa sạch vừa tiện.

Ai đến nhà cũng trầm trồ, khen ngợi. Bà chỉ cười hiền, còn tôi thì thấy lòng rưng rưng, một niềm tự hào không biết nói sao cho trọn.

Những bữa cơm có bà luôn đầy ắp tiếng cười.

Vậy mà rồi bà cũng lặng lẽ rời đi, như làn khói bếp cuối cùng tan vào trời xanh.

Năm tôi mười hai tuổi. Tôi đã khóc như chưa bao giờ khóc. Cả nhà ai cũng hụt hẫng.

Mỗi lần đi đâu về, tôi lại vô thức đưa mắt nhìn về gian bếp nhỏ, mong thấy bóng bà nhưng nào còn nữa.

Nhưng tôi tin, yêu thương bà để lại vẫn còn đó, cháy âm ỉ như than hồng dưới tro.

Trong tôi, bà vẫn đang nhóm bếp, bằng bàn tay chai sần, bằng ánh nhìn hiền hậu, bằng cả một đời lặng lẽ mà ấm áp vô ngần.

Và tôi hiểu: giữ lửa bếp cũng là giữ cho mình một phần gốc rễ. Để giữa những bon chen đời thường, vẫn còn một góc nhỏ âm thầm tỏa khói, gọi về tuổi thơ.

Phạm Thanh Tâm

Chiều nay, trong lúc chờ cơm, tôi lướt điện thoại tình cờ bắt gặp một bức ảnh chái bếp cũ – nơi khói lam quyện tròn bay lên mái lá, nơi những chiếc rá nấu là những chảo gang thủng đáy treo lặng lẽ quanh bếp. Chỉ một khoảnh khắc vậy thôi mà cả một miền ký ức bỗng ùa về, xốn xang đến nghẹn ngào…

Bà tôi hiện lên giữa làn khói ấy. Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười hiền lành, mái tóc bạc quyện lẫn vào trong bảng lảng sương chiều. Cứ mỗi lần ký ức chạm ngõ, tôi lại thấy cả nhà mình quây quần bên bếp nhỏ, bên rổ khoai lang, khoai sắn luộc, giữa tiếng củi reo tí tách và hơi ấm lan tỏa từ đôi bàn tay bà.

Gian bếp chỉ là một chái nhỏ cơi thêm bên hông nhà, vách làm bằng cây rừng đan buộc, trét đất sét trộn rơm rạ, mái lợp lá dừa khô. Qua bao mùa mưa nắng, những góc tường quanh ba ông đầu rau bị khói ám đen sì, cả mái lá cũng ngả sang màu tro xám.

Nhưng bếp nhà bà không chỉ là nơi nhen lên ngọn lửa. Đó là hơi thở của bữa cơm, là dấu vết của thời gian, là vòng tay âm thầm ôm ấp cả nhà qua những mùa đông rét mướt.

Cứ mỗi lần bà nhóm bếp, khói lại cuộn lên rồi lan dần khắp không gian, vấn vít quanh cây cột, len lỏi qua mái lá mà vờn bay lững lờ. Tôi hay ngồi nhìn theo làn khói ấy, ngẩn ngơ tự hỏi: Không biết khói bay đi đâu? Có khi nào lên trời rồi hóa thành mây không? Bà xoa đầu tôi, mỉm cười: “Mây cũng từ bếp mà ra đó, con à.”

Câu nói ấy theo tôi suốt những năm tháng sau này. Bởi quả thật, sáng sớm hay chiều muộn, khói lam cứ lững lờ trôi, chẳng ai phân biệt nổi đâu là khói, đâu là mây. Cả bầu trời như ngừng lại, chỉ còn lại một điều gì đó rất ấm và rất buồn, trôi qua trước mắt.

Bếp nhà bà đỏ lửa mỗi ngày ba bận. Củi cháy đượm khói, nhuộm lên vách tường, lên xoong nồi, và cả vào giấc ngủ tuổi thơ tôi.

Món nào bà nấu cũng đơn sơ mà đậm đà. Nhà nghèo, nhưng bữa cơm bà nấu luôn đầy đủ, sạch sẽ. Không chỉ là bữa ăn, đó còn là một cách sống. Bà thường bảo: “Nấu cơm là nấu cả sự tử tế.”

Tôi rất thích được làm bếp cùng bà. Có bà, gian bếp như ấm lên hẳn, nhất là những ngày đông lạnh, khi khói bếp vờn quanh, mềm mại như vòng tay mẹ, ôm trọn cả tuổi thơ tôi.

Tôi nhìn bà mà cảm thấy như đang sống giữa một câu chuyện cổ tích, nơi có bà tiên áo khói đang lặng lẽ dạy tôi cách sống bằng đôi tay và lòng kiên nhẫn.

Ba mẹ đi làm đồng suốt ngày, chị em tôi lớn lên trong hơi thở của gian bếp ấy. Bà đóng đinh lên vách để treo từng chiếc nồi đã được chùi sáng bóng. Nắp nồi thì bà buộc dây thừng căng ngang, móc lên gọn gàng. Có khi vừa rửa xong, bà treo luôn lên thân cây dừa gần ảng nước, vừa sạch vừa tiện.

Ai đến nhà cũng trầm trồ, khen ngợi. Bà chỉ cười hiền, còn tôi thì thấy lòng rưng rưng, một niềm tự hào không biết nói sao cho trọn.

Những bữa cơm có bà luôn đầy ắp tiếng cười.

Vậy mà rồi bà cũng lặng lẽ rời đi, như làn khói bếp cuối cùng tan vào trời xanh.

Năm tôi mười hai tuổi. Tôi đã khóc như chưa bao giờ khóc. Cả nhà ai cũng hụt hẫng.

Mỗi lần đi đâu về, tôi lại vô thức đưa mắt nhìn về gian bếp nhỏ, mong thấy bóng bà nhưng nào còn nữa.

Nhưng tôi tin, yêu thương bà để lại vẫn còn đó, cháy âm ỉ như than hồng dưới tro.

Trong tôi, bà vẫn đang nhóm bếp, bằng bàn tay chai sần, bằng ánh nhìn hiền hậu, bằng cả một đời lặng lẽ mà ấm áp vô ngần.

Và tôi hiểu: giữ lửa bếp cũng là giữ cho mình một phần gốc rễ. Để giữa những bon chen đời thường, vẫn còn một góc nhỏ âm thầm tỏa khói, gọi về tuổi thơ.

Phạm Thanh Tâm