Tan hoang... Mỹ Lý
Trận lũ quét kinh hoàng tràn về xã biên giới Mỹ Lý (tỉnh Nghệ An) cuốn trôi và nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà chỉ trong chốc lát. Trở về sau lũ, nhiều người thất thần nhìn cảnh nhà cửa tan hoang, tài sản không còn gì ngoài bùn đất ngổn ngang.
Người dân thất thần
Sau 2 ngày bị cô lập hoàn toàn bởi nước lũ, chiều muộn 23/7, lực lượng cứu hộ cuối cùng cũng tiếp cận được xã Mỹ Lý nơi được xem là “tâm lũ” của đợt thiên tai lần này. Con đường vào bản còn lởm chởm đất đá, cây rừng ngổn ngang chắn lối, dấu vết của dòng nước dữ vẫn còn in hằn trên những vách núi. Nhìn từ xa, từ một xã trù phú, sau trận lũ lịch sử, Mỹ Lý tan hoang. Những mái nhà sàn vốn bình yên ven sông Nậm Nơn giờ chỉ còn trơ khung gỗ, xiêu vẹo bên bãi bồi ngập bùn đất.

Cùng thức, dọn dẹp với người dân suốt mấy ngày qua, ông Lương Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý bần thần nói: “Lũ đi qua, nhà cửa của hàng trăm hộ dân trong xã cuốn theo dòng nước. Xã đã huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ, triển khai phương châm "4 tại chỗ" để sơ tán người dân đến nơi an toàn, cung cấp các nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, nước uống và thuốc men cho các bản bị ảnh hưởng. Nhưng cơn lũ quá lớn, khiến mọi nỗ lực vẫn chưa thể đáp ứng. Cộng với việc mất điện, mất sóng, chia cắt nên việc khắc phục càng khó khăn gấp bội”.
Bà Vi Thị Dư - bản Xiếng Tắm, xã Mỹ Lý nghẹn ngào kể lại khoảnh khắc kinh hoàng khi cơn lũ bất ngờ ập đến, bà Dư cho biết: Lũ đến nhanh lắm, chẳng kịp trở tay. Cả bản chỉ biết hô hoán nhau mà chạy, chẳng ai mang theo được thứ gì ngoài mạng sống. Tài sản, nhà cửa đều bỏ lại phía sau, mặc cho nước cuốn.

Bà Dư nói trong tiếng nấc, đôi mắt đỏ hoe nhìn về phía bãi đất trống nơi từng là căn nhà nhỏ của gia đình mình: “Hôm nay trở về… tôi không còn nhận ra đâu là nền nhà nữa. Mọi thứ biến mất rồi”. Giữa bạt ngàn hoang tàn, hình ảnh người phụ nữ miền núi đứng bơ vơ giữa đất trời sau lũ là minh chứng rõ ràng nhất cho sự khốc liệt của thiên tai và cho nỗi đau mất mát đang bao trùm từng nóc nhà ở vùng cao xứ Nghệ.
Thất thần vì căn nhà mình giờ chỉ còn móng, ông Lô Văn Hùng - bản Xằng Trên, xã Mỹ Lý cho biết: Mưa lớn quá, nước lên nhanh không tưởng. Lũ cuốn phăng tất cả nhà cửa, vật dụng, đồ đạc… chỉ còn trơ lại nền đất loang lổ bùn non. “Riêng nhà tôi trôi hết rồi. Chỉ còn vài thứ bị bùn vùi sâu dưới đất, phải đào từng xẻng mới lôi lên được cái nồi, cái chậu… Còn lại coi như trắng tay”- ông Hùng nói. Giữa đống đổ nát ấy, những người dân vùng cao chỉ còn biết dựa vào nhau mà gượng dậy. Họ nhặt nhạnh từng vật dụng còn sót, như cố níu lấy chút hy vọng mong manh giữa những mất mát quá lớn mà cơn lũ để lại.
Ông Lương Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý cho biết: Đến sáng ngày 24/7, chính quyền địa phương, các lực lượng cứu trợ đang nỗ lực tiếp cận 4 bản gồm: Nhọt Lợt, Piêng Pèn, Phá Chiến và Huồi Pún. Hiện tại vẫn còn nhiều khu vực bị chia cắt nên việc tiếp cận rất khó khăn. “Chúng tôi cũng kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An và các sở, ban, ngành sớm cử lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó ưu tiên sửa chữa nhà ở, khôi phục giao thông, điện lực, viễn thông và các công trình thiết yếu để ổn định đời sống nhân dân” - ông Bảy nói.
Những bức thư tay ám ảnh
“Số nhà trôi khoảng 150 nhà, ngập trên 200 nhà, cầu treo Yên Hòa trôi hoàn toàn, QL16 bị sạt lở chia cắt nhiều điểm… Mỹ Lý cần các nhu yếu phẩm nước, mì tôm, gạo muối nước mắm, dầu ăn…”. Đó là những bức thư tay viết vội do Trung tá Hoàng Thế Ngọc - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mỹ Lý chuyển ra lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi cơn lũ đi qua. Bức thư tuy chỉ vỏn vẹn viết gọn trong một tờ giấy A4, nhưng chứa nhiều mất mát về nhà cửa, tài sản mà người dân xã biên giới Mỹ Lý đang gánh chịu.
Trong bức thư, ngoài thiệt hại về nhà dân, đường sá, các công trình trụ sở Công an xã, Trạm Y tế xã, Trạm quản lý rừng phòng hộ, Kiểm lâm cũng bị trôi sập hoàn toàn. Các bản Xốp Tụ, Xiềng Tắm, Yên Hòa, Cha Nga… bị chia cắt.

Theo Trung tá Ngọc, do mưa lũ đổ về khiến giao thông chia cắt, mất điện, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn. Là cán bộ chiến sĩ bám cơ sở, hiểu từng bản làng, nắm từng hộ gia đình nên khi có thiệt hại do mưa lũ, đơn vị đã cử một cán bộ chiến sĩ băng qua những đoạn đường sạt lở đất, ngập lụt để tìm nơi có sóng điện thoại chuyển ra bên ngoài.
Trong khi đó, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý Phạm Đức Tâm lại “soạn thảo” một bức thư ghi nội dung thiệt hại và các nhu cầu cần thiết của người dân các bản bị chia cắt hơn hai ngày qua. “Đến sáng nay, khi nước rút, ngoài việc khắc phục, dọn dẹp sau lũ, người dân nơi đây cần các nhu yếu phẩm, thuốc men, nước uống…Vì sóng yếu nên tôi viết thư tay tìm chỗ cao có sóng điện thoại, chuyển ra ngoài để các lực lượng chức năng tìm cách mang vào cho người dân” - Chính trị viên Phạm Đức Tâm cho biết thêm.
Cũng trong sáng ngày 24/7, Trung đoàn Không quân 916 điều động trực thăng Mi-171 chở hàng cứu trợ vào Nghệ An, hỗ trợ người dân vùng bị chia cắt do mưa lũ. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Nghệ An, tính đến sáng ngày 24/7, hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn và lũ dâng khiến 3 người tử vong tại các xã Nậm Cắn, Nhôn Mai và Bắc Lý; 1 người mất tích và 4 người bị thương. Về tài sản, toàn tỉnh có khoảng 450 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, tập trung tại các xã như: Bạch Ngọc, Vĩnh Tường, Quang Đồng... Thiệt hại được đánh giá là nghiêm trọng.
Sáng 24/7, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt tại xã Con Cuông; thăm hỏi, động viên và tặng quà chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân tỉnh Nghệ An. Phó Thủ tướng Mai Văn Chính nhấn mạnh, bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng người dân là ưu tiên hàng đầu. Dù nước đã rút một phần, người dân vẫn cần cảnh giác cao độ, không được chủ quan. Cùng với việc đảm bảo an toàn, cần tranh thủ khi nước rút để khẩn trương vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, tránh nguy cơ dịch bệnh phát sinh sau lũ.