Xuất khẩu thương mại điện tử: Cơ hội để thương hiệu Việt cất cánh
Sáng 25/7, hội nghị “Bứt phá xuất khẩu – Thương hiệu Việt cất cánh toàn cầu” diễn ra tại TPHCM, ghi nhận nhiều góc nhìn lạc quan về vai trò của thương mại điện tử xuyên biên giới.
Các chuyên gia cho rằng, thương mại điện tử trở thành “con đường mới” giúp doanh nghiệp Việt vươn tầm thế giới, biến lợi thế nội lực thành thương hiệu toàn cầu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến – Phó cục Trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho hay, chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới đang từng bước hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp Việt nên tận dụng tốt xu hướng này để đưa sản phẩm Việt thâm nhập thị trường các nước.
Giới kinh doanh nhận định, Việt Nam sở hữu lợi thế đặc biệt để thành công trong kỷ nguyên mới với lực lượng lao động trẻ năng động, am hiểu công nghệ và giàu tinh thần khởi nghiệp.
Thị trường toàn cầu đang đánh giá cao đối với các sản phẩm made in Vietnam. Từ hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc cho đến nông đặc sản,...

Mong muốn phủ sóng thị trường các nước, nhiều doanh nghiệp ngoài việc xuất khẩu theo hình thức truyền thống, đang triển khai thêm kênh xuất khẩu mới theo hướng hiện đại hơn, đó là xuất khẩu qua thương mại điện tử. Kênh xuất khẩu này đã, đang và sẽ tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhấn mạnh: “Xuất khẩu qua thương mại điện tử mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam ở mọi lĩnh vực”.
Ông Cẩm cho rằng, để xuất khẩu qua thương mại điện tử đạt hiệu quả đòi hỏi một quá trình chuyển đổi có hệ thống - từ gia công sản xuất tiến lên xây dựng thương hiệu toàn cầu. Điều này có nghĩa là cần kết hợp năng lực sản xuất với chiến lược kinh doanh hiện đại để kiểm soát toàn diện mọi mặt từ sản phẩm, thương hiệu và trải nghiệm khách hàng trong thương mại điện tử toàn cầu.

Với góc nhìn từ ngành nghề khác, bà Dương Thị Minh Tuệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu sang thị thị trường các nước gặp khó khăn thì kênh bán hàng trên thương mại điện tử cần được xúc tiến mạnh hơn.
"Doanh nghiệp khó tìm thị trường lớn thì tìm thị trường nhỏ. Bằng chứng, đã có nhiều doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử", bà Tuệ nói.
Minh chứng cho câu chuyện xuất khẩu qua thương mại điện tử đạt hiệu quả cao, ông Trần Lam Sơn – nhà sáng lập thương hiệu Green Mekong bày tỏ: “Khi tham gia bán hàng trên thương mại điện tử tôi được mọi người cảnh báo, coi chừng “u đầu, mẻ trán”, còn không thì cũng không hiệu quả. Tuy nhiên, sau 6 tháng triển khai, chúng tôi đã đạt được nhiều kết quả nhất định khi xuất khẩu hàng hóa thông qua Amazon".

Mong muốn nhiều hàng hóa của doanh nghiệp Việt vươn xa ra thị trường thế giới qua kênh thương mại điện tử, ông Larry Hu - Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á cho biết: “Đây không chỉ đơn thuần là một phương thức bán hàng mới, mà còn là con đường để tạo dựng giá trị bền vững, nâng cao lợi nhuận và xây dựng doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh toàn cầu”.
Theo ông Larry Hu, hiện các sản phẩm chăm soc sức khỏe, nhà cửa, nhà bếp, may mặc, làm đẹp và những ngành hàng đang lên như nội thất, thực phẩm của các thương hiệu Homestead, Sunhouse, Abera,... đang phát triển mạnh mẽ trên gian hàng Amazon.
“Amazon Global Selling cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển mình từ vai trò nhà sản xuất trở thành chủ sở hữu thương hiệu tầm cỡ quốc tế, mở ra những cơ hội mới cho những doanh nghiệp đã sẵn sàng đưa sản phẩm vươn ra thị trường thế giới”, ông Larry Hu nhấn mạnh.
Theo số liệu được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố sáng 5/7, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2025 tăng 16,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 5,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 24,4%.