Nghệ An: Tập trung giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt
Hình ảnh những người lính dầm mưa, lội bùn, in đậm trong lòng người dân vùng lũ niềm tin yêu và tình cảm quân - dân ấm áp. Đó là câu chuyện diễn ra tại vùng lũ Nghệ An, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Bộ đội và Công an đang cùng bà con dọn bùn đất, sửa chữa nhà cửa.
.jpg)
Nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó
Sau khi nước bắt đầu rút, người dân tại nhiều địa phương vùng cao Nghệ An như các xã Con Cuông, Tương Dương, Mường Xén... đã nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả. Từ sáng sớm, các gia đình chủ động dọn dẹp nhà cửa, thu gom rác thải, thau rửa sân vườn và lau chùi đồ đạc. Tại các bản làng ven sông, người dân dùng cuốc, xẻng, vòi nước để rửa trôi từng lớp bùn đất phủ dày trên mặt đường.
Ông Nguyễn Văn An - bản Cửa Rào 2, xã Tương Dương cho biết: “Nước rút đến đâu, bà con mình dọn đến đó. Nhà tôi bị bùn tràn vào gần nửa mét, phải huy động cả anh em họ hàng mới dọn được. Mệt nhưng ai cũng cố gắng để sớm ổn định cuộc sống”. Theo ông An, điều lo lắng nhất hiện nay là nguy cơ dịch bệnh sau lũ, nên gia đình ông đã dùng nước sạch để thau rửa bể chứa, sân nhà và đồ dùng sinh hoạt. Ông cũng mong chính quyền sớm hỗ trợ hóa chất khử trùng và máy bơm để làm vệ sinh chuồng trại, tránh thiệt hại thêm cho vật nuôi.
Cùng hoàn cảnh, ông Vi Văn Viện - bản Xằng Trên, xã Mỹ Lý khi trở về nhà không khỏi bàng hoàng, căn nhà khang trang của gia đình đã bị đất đá vùi lấp. “Không còn gì nữa rồi. Nước cuốn trôi nhà, bùn đất dày đặc phủ kín, chỉ còn trơ lại mấy viên gạch móng. Dù vậy cũng phải gắng gượng mà làm lại để ổn định cuộc sống” - ông Viện chia sẻ.
Không chỉ nhà dân, các điểm trường học, trạm y tế và nhà văn hóa cũng được thầy cô giáo, lực lượng đoàn viên thanh niên và Bộ đội Biên phòng hỗ trợ dọn dẹp sạch sẽ. Tại một số nơi, người dân còn lập các điểm thu gom tạm thời để chứa rác thải, cây mục, đồ đạc bị hư hỏng sau lũ, chờ xe chuyên dụng đến vận chuyển. Công tác vệ sinh môi trường được ưu tiên hàng đầu nhằm phòng, chống dịch bệnh. Chính quyền địa phương cũng đã cử cán bộ y tế hướng dẫn người dân khử khuẩn nguồn nước, xử lý thực phẩm, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết và ý chí vượt khó, người dân vùng lũ đang từng bước làm sạch bản làng, khôi phục cuộc sống sau trận lũ lịch sử.
Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã điều động gần 10.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân tự vệ tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Trung đoàn Cảnh sát cơ động Bắc Trung Bộ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) cũng đã huy động hàng trăm chiến sĩ hỗ trợ người dân tại các vùng bị ảnh hưởng nặng ở tỉnh Nghệ An.

Quyết tâm thông tuyến QL7A
Trận mưa lũ vừa qua không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà cửa, tài sản của người dân mà còn khiến tuyến QL7 bị hư hỏng nặng. Đây là nguyên nhân khiến việc vận chuyển nhu yếu phẩm và công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Sau lũ, hàng chục điểm trên tuyến vẫn còn ách tắc, sạt lở nghiêm trọng. Các lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục, vừa đảm bảo an toàn, vừa mở đường tiếp tế cho các bản làng còn bị cô lập. Một số vị trí ta luy dương vẫn tiềm ẩn nguy cơ trượt đất, trong khi nền đường bị xói mòn nghiêm trọng, việc khôi phục giao thông cần thêm thời gian và thiết bị chuyên dụng.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 54 vị trí bị sạt lở ta luy, trong đó riêng QL7 có tới 16 điểm.
Tỉnh Nghệ An cũng đã triển khai các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa, xăng dầu, thuốc men phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân; khôi phục sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về nhà cửa.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết: “Tỉnh phân công lãnh đạo bám sát địa bàn, chỉ đạo sát sao từng lĩnh vực để đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho nhân dân. Nghệ An kiên quyết không để người dân nào phải lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thiếu ăn, thiếu mặc”.
Theo thống kê sơ bộ từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, tính đến 10 giờ ngày 25/7/2025 trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 3 xã bị cô lập hoàn toàn và 13 xã bị cô lập một phần với tổng 13.178 hộ và 61.710 khẩu. 3 xã còn bị cô lập hoàn toàn là Hữu Kiệm, Nhôn Mai và Mường Típ.