Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Chú trọng kỹ năng phòng đuối nước

Vi Cầm 26/07/2025 08:05

Cho dù công tác truyên truyền về phòng, chống đuối nước đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em tại Việt Nam, song thông tin về những trường hợp trẻ đuối nước liên tiếp thời gian qua vẫn luôn là nỗi ám ảnh dai dẳng với cộng đồng. Thực tế cho thấy, phòng tránh đuối nước cho trẻ em - nếu chỉ học bơi thôi thì chưa đủ.

Hôm qua (25/7), nhân Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước một lần nữa câu chuyện liên quan đến đuối nước lại được nhiều người nhắc tới, quan tâm. Đây cũng là lúc nhưng con số, những tai nạn đuối nước được nhắc đến, được thống kê. Nỗi đau từ những vụ trẻ em chết đuối một lần nữa là lời cảnh báo, nhắc nhở cộng đồng về hiểm họa vẫn đang hiện hữu trong đời sống hàng ngày, đe dọa sự an toàn và tính mạng của trẻ nhỏ.

Để ngăn chặn đuối nước, giải pháp dạy bơi cho trẻ nhỏ từ trường đến cộng đồng được xem là cứu cánh. Theo ghi nhận, hầu hết các hoạt động dạy bơi cho học sinh, nhất là trong nhà trường vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Một số trường tiểu học tại các thành phố lớn đã thực hiện thí điểm dạy bơi cho học sinh nhằm phổ cập bơi lội. Tuy nhiên, việc tổ chức các buổi học bơi trong trường gặp nhiều khó khăn khi thiếu hồ bơi và giáo viên phụ trách. Điều này càng trở nên khó khăn hơn tại các khu vực nông thôn.

Các thống kê cho thấy, cho đến năm học vừa qua, chỉ có khoảng 2/3 số địa phương trên cả nước có ngân sách để đầu tư riêng cho phòng, chống đuối nước. Cả nước chỉ có gần 2.200 trường học có bể bơi/tổng số hơn 25.000 trường, chiếm 8,63%. Tỷ lệ học sinh biết bơi chỉ chiếm 33,59%. Đáng nói ở nhiều trường học, bể bơi trong nhà trường chủ yếu được dành để tập luyện cho các bạn học sinh khi tham gia các cuộc thi chứ không dành cho tất cả các em học sinh học tập như một môn tự chọn.

Để trang bị kỹ năng bơi cho trẻ em, nhiều gia đình đã phải tự tìm cho con những lớp học bơi, mặc dù giá của những khóa học bơi này (đặc biệt ở thành phố) không hề rẻ.

Thực tế cho thấy, dù trẻ có biết bơi hay không thì sự chủ quan vẫn là yếu tố nguy hiểm hàng đầu. Theo nhiều chuyên gia, phòng tránh tai nạn đuối nước không chỉ đơn giản là việc học bơi. Quan trọng hơn, trẻ em cần được hướng dẫn về nơi chơi, cách chơi một cách an toàn. Trẻ không thể lường trước những tình huống bất ngờ như dòng nước chảy xiết, hụt chân vào hố sâu hay bị chuột rút, đuối sức giữa chừng. Không ít em nhỏ gặp nạn khi đang bơi hoặc lặn, do ngạt nước, cơ thể đột ngột mất nhiệt hoặc không kịp ngoi lên lấy hơi. Ngoài ra, các trường hợp như ngã úp mặt vào chậu nước, bồn tắm, hay bất ngờ ngất xỉu khi vừa tiếp xúc với nước cũng đều tiềm ẩn nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước và có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi. Với trẻ lớn, bản tính hiếu động, tò mò khiến các em dễ mạo hiểm khi vui chơi gần ao hồ, sông suối. Trong khi đó, trẻ nhỏ lại thường bị thu hút do tính thích khám phá, nghịch ngợm. Điểm chung là cả hai nhóm đều dễ gặp nạn nếu không có sự giám sát chặt chẽ từ người lớn. Nhiều trường hợp đau lòng xảy ra ngay tại nhà, khi người thân lơ là trong phút chốc.

Do đó, để ngăn ngừa đuối nước ở trẻ, vai trò của người lớn là vô cùng quan trọng. Trong đó có trách nhiệm của nhà trường và cộng đồng. Trong khi hiện nay công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước tại trường học chủ yếu được lồng ghép trong chương trình giáo dục về “An toàn trường học”, điều kiện dạy bơi ở các trường học chưa đủ để phổ cập bơi, thì việc chú trọng dạy bơi cho các em từ gia đình, cộng đồng là giải pháp trước mắt.

Bi kịch đuối nước ở trẻ em hoàn toàn có thể phòng tránh nếu có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Việc bảo vệ trẻ không chỉ là trách nhiệm của người làm cha mẹ, còn là nghĩa vụ của toàn cộng đồng trong việc kiến tạo một môi trường sống an toàn cho các em.

Vi Cầm