Sức khỏe

Liệt mặt do zona: Hiểm họa có thể phòng ngừa

ThS Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Trung tâm Da liễu – Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) 26/07/2025 11:06

Zona là bệnh lý do virus Varicella Zoster gây ra, thường xuất hiện khi hệ miễn dịch suy giảm khiến virus ẩn náu trong các hạch thần kinh tái hoạt động. Ngoài các tổn thương da điển hình, bệnh có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng nếu virus tấn công vào dây thần kinh mặt, dẫn đến liệt mặt ngoại biên. Đây là một trong những hậu quả nặng nề nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.

Khi zona ảnh hưởng đến dây thần kinh số VII, người bệnh có thể bắt đầu với triệu chứng đau rát, tê bì một bên mặt hoặc tai, sau đó là các mụn nước quanh ống tai ngoài, vành tai, niêm mạc miệng hoặc lưỡi. Không ít trường hợp không xuất hiện tổn thương da rõ rệt, khiến người bệnh chủ quan hoặc chẩn đoán nhầm. Sau vài ngày, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng liệt cơ mặt một bên, với biểu hiện rõ như không thể cười, nhăn trán, chớp mắt, miệng lệch, mắt bên liệt không nhắm kín được. Một số người còn bị thay đổi vị giác, chảy nước dãi, khó nhai nuốt, thậm chí ù tai, nghe kém, chóng mặt nếu dây thần kinh số VIII cùng bị tổn thương.

Nếu không được can thiệp sớm, biến chứng liệt mặt có thể kéo dài, để lại di chứng vận động cơ mặt, thẩm mỹ và thính lực. Vì vậy, điều trị hiệu quả cần bắt đầu từ giai đoạn rất sớm – trong vòng 72 giờ từ khi xuất hiện triệu chứng. Thuốc kháng virus đường uống giúp ức chế sự nhân lên của virus, giảm nguy cơ biến chứng. Kết hợp với đó là corticosteroid liều thích hợp để giảm viêm và đau, thuốc giảm đau thông thường hoặc thuốc giảm đau thần kinh nếu cần thiết. Việc chăm sóc tại chỗ như làm sạch tổn thương, dùng thuốc bôi chống viêm – chống bội nhiễm, cùng với bảo vệ mắt bằng nước mắt nhân tạo, mỡ tra mắt và che mắt đúng cách giúp phòng ngừa loét giác mạc – một biến chứng thường bị bỏ sót.

Ngoài điều trị nội khoa, vật lý trị liệu phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng trong cải thiện chức năng cơ mặt, đặc biệt ở giai đoạn bán cấp. Một số bài tập xoa bóp, kích thích điện nhẹ, tập phát âm… có thể giúp cải thiện đáng kể vận động vùng mặt nếu được thực hiện đúng và đều đặn.

Để phòng bệnh zona và biến chứng liệt mặt, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất, đặc biệt với người trên 50 tuổi hoặc có nguy cơ suy giảm miễn dịch. Hiện có hai loại vaccine được khuyến nghị là vaccine sống giảm độc lực và vaccine bất hoạt tái tổ hợp. Việc tiêm chủng không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc zona mà còn giảm đáng kể tỷ lệ gặp biến chứng thần kinh. Bên cạnh đó, một lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ và kiểm soát tốt các bệnh mạn tính là điều cần thiết để tăng cường miễn dịch và phòng ngừa tái phát bệnh.

ThS Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Trung tâm Da liễu – Dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)