Đừng để mất mạng vì “thuốc gia truyền”
Tin vào lời đồn “thuốc gia truyền”, không ít người đã bỏ lỡ “thời gian vàng” điều trị y khoa, dẫn tới tổn thương nặng nề, thậm chí tử vong.

Niềm tin mù quáng phải trả giá bằng sức khỏe
Vừa qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một bệnh nhân nam, 50 tuổi, chuyển đến trong tình trạng nguy kịch sau khi bị rắn hổ mang chúa cắn. Thay vì đến viện sau khi bị rắn cắn, ông tìm thầy lang đắp thuốc lá rồi mới nhập viện khi đã nói khó, suy hô hấp. Trên đường đi, bệnh nhân lên cơn gồng cứng, suy hô hấp, ngừng tuần hoàn.
Tại bệnh viện tuyến dưới, các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức tim phổi, đặt nội khí quản, sau đó chuyển ông tới Trung tâm Chống độc. Khi tiếp nhận, bệnh nhân đã hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương tim, tiên lượng tổn thương não nghiêm trọng do thiếu oxy kéo dài. Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, đây là hậu quả điển hình của việc bỏ lỡ “thời gian vàng” cấp cứu. Với các loại rắn có độc tố thần kinh như hổ mang chúa, nọc độc có thể gây liệt cơ hô hấp và ngừng tim trong vòng vài giờ. Nếu không kịp thời tiêm huyết thanh kháng độc, nguy cơ tử vong rất cao.
Cũng theo BS Nguyên, hiện tượng đắp lá, bôi thảo dược, thậm chí áp gà, đắp đá, uống thuốc “gia truyền” để chữa rắn cắn vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Tất cả những phương pháp này không có bất kỳ tác dụng trung hòa độc tố nào, mà chỉ làm mất thêm thời gian quý báu. Một số ca “vết cắn khô” (không có nọc độc) dễ bị hiểu nhầm là nhờ thuốc hay, gây nhận thức lệch lạc và lan truyền nguy hiểm.
Câu chuyện đáng tiếc không chỉ xảy ra với người lớn và rắn độc. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một bé trai 13 tuổi (ở tỉnh Thanh Hóa) vừa được đưa vào cấp cứu trong tình trạng suy thận cấp, phù toàn thân và tràn dịch đa màng. Trẻ từng bị thận hư nhưng gia đình không tái khám, tự dùng thuốc nam khi bệnh tái phát. Hậu quả là bệnh diễn tiến nhanh, gây suy hô hấp, rối loạn điện giải, buộc phải lọc máu cấp cứu.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Huy - Khoa Thận và lọc máu (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần giải thích, hướng dẫn gia đình về việc tuân thủ điều trị, nhưng rất tiếc là vẫn có những quyết định sai lầm. Khi bệnh nhân nhập viện, chức năng thận đã suy giảm nghiêm trọng, phải lọc máu liên tục để duy trì sự sống”.
Sau nhiều ngày điều trị tích cực, bé trai tạm thời qua được cơn nguy kịch, nhưng nguy cơ suy thận mạn tính vẫn hiện hữu. Người mẹ nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi rất hối hận. Lúc đầu thấy con đỡ phù, tôi tưởng là thuốc nam có tác dụng, nhưng rồi mọi thứ trở nên tệ hơn. Nếu tôi tin bác sĩ ngay từ đầu, có lẽ con đã không phải khổ như vậy”.
Những câu chuyện trên không phải cá biệt. Từ các vùng nông thôn đến thành thị, việc người dân nghe theo lời truyền miệng, mách bảo, tin vào “thuốc hay, thầy giỏi” mà bỏ qua điều trị y học chính thống vẫn còn khá phổ biến. Phần lớn là những kết cục phải trả giá bằng thời gian, sức khỏe, và đôi khi là cả mạng sống.
Nguy cơ mạng sống vì cả tin
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: “Không ít bệnh nhân đến viện trong tình trạng rất nặng, muộn, do trước đó đã tin vào các bài thuốc lá, rễ cây, cao đơn hoàn tán truyền miệng mà bỏ lỡ điều trị đúng chuyên khoa”.
Nhiều “thuốc gia truyền” không rõ tên, thành phần hay liều lượng, chỉ được gọi chung là “thuốc của thầy”, “thuốc nhà tôi chữa khỏi”. Chúng thường là thuốc nam truyền tay, quảng cáo “giải độc”, “bổ thận” nhưng không rõ nguồn gốc. Dùng kéo dài dễ gây hại gan, thận, che lấp triệu chứng, khiến bệnh tiến triển âm thầm đến giai đoạn muộn.
Trong trường hợp bị rắn độc cắn, sự cả tin thậm chí còn đánh đổi bằng tính mạng trong vòng vài giờ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không có một phương pháp y học cổ truyền nào được khuyến nghị để điều trị rắn độc cắn. Chỉ có huyết thanh kháng nọc đặc hiệu được tiêm tại cơ sở y tế mới có tác dụng trung hòa độc tố. Mọi hình thức đắp thuốc, rạch vết cắn hay uống thảo dược đều bị khuyến cáo không thực hiện vì không có tác dụng và làm mất thời gian vàng để cứu sống người bệnh.
Với các bệnh mạn tính như hội chứng thận hư, đái tháo đường, viêm gan, ung thư… việc dùng thuốc không rõ thành phần thậm chí còn khiến chức năng gan thận suy kiệt nhanh hơn, làm mất hiệu quả điều trị chính thống. Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có đến 80% bệnh nhân thận hư thể nhẹ có thể khỏi hoàn toàn nếu điều trị đúng, đủ và theo dõi sát. Nhưng nếu tự ý bỏ thuốc, lạm dụng “thuốc lá” truyền miệng, con số này có thể trở thành vô nghĩa.
Không phủ nhận giá trị của y học cổ truyền, song các chuyên gia khẳng định, thuốc nam – nếu muốn được sử dụng hợp lý phải có nguồn gốc rõ ràng, được nghiên cứu bài bản, được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền chính thống. Những bài thuốc không được kiểm nghiệm, truyền miệng từ người không có chuyên môn, không thể thay thế điều trị y khoa hiện đại.
Theo các bác sĩ, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là chẩn đoán sớm, điều trị đúng, tuân thủ phác đồ. Nếu có điều kiện, người bệnh có thể kết hợp Đông – Tây y, nhưng phải dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ có chuyên môn thuộc cả hai lĩnh vực. Tuyệt đối không bỏ thuốc, không dừng tái khám, không thay đổi hướng điều trị mà không có chỉ định.