Giáo dục

TP Hồ Chí Minh: Nỗ lực chuẩn bị năm học mới

ĐOÀN XÁ 26/07/2025 09:30

Với khoảng 2,6 triệu (trước là gần 1,7 triệu) học sinh từ bậc mầm non tới THPT, TPHCM sau sáp nhập là địa phương có số lượng học sinh đông nhất cả nước. Việc chuẩn bị cho năm học mới 2025-2026 lần đầu tiên sau sáp nhập là thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội để mở rộng không gian phát triển, nâng tầm ngành giáo dục thành phố.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM, năm học 2025-2026 toàn thành phố có 2.528.700 học sinh từ mầm non đến phổ thông, tăng gần 40.000 em so với năm học trước. Tất cả các bậc học đều ghi nhận mức tăng. Dự kiến, gần 130.000 học sinh tốt nghiệp THCS và khoảng 110.000 học sinh dự thi lớp 10. Thành phố sẽ tiếp tục áp dụng hai hình thức thi tuyển và xét tuyển vào lớp 10 tùy đặc thù địa bàn, đồng thời duy trì một cổng thông tin tuyển sinh chung sau sáp nhập vì nhiều tiện ích.

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GDĐT TPHCM cho biết, thành phố hiện chưa có chủ trương hoán đổi, sáp nhập, dùng chung cơ sở vật chất trường học. Trong giai đoạn đầu tiên sau hợp nhất, trường lớp vẫn giữ nguyên hiện trạng cơ sở vật chất để đảm bảo sự ổn định đối với việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, khi hoạt động đi vào ổn định, ngành giáo dục sẽ nghiên cứu các giải pháp tiếp theo để đầu tư cơ sở vật chất trường học, sử dụng hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, trong đó có việc khai thác tối đa tiện ích của hệ thống thông tin địa lý (mô hình GIS) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học ở trường gần nơi cư trú, đồng thời tăng tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, sau khi hợp nhất 3 địa phương (Bình Dương, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu), TPHCM trở thành địa phương có quy mô trường lớp lớn nhất cả nước với hơn 3.500 cơ sở giáo dục, gần 2,6 triệu học sinh cùng hơn 100.000 cán bộ quản lý, giáo viên. Đây là cơ hội rất lớn giúp ngành GDĐT có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Theo ông Hiếu, cả 3 địa phương cũ có chất lượng đào tạo khá đồng đều nên giúp cho việc duy trì chất lượng đào tạo sau khi hợp nhất sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn. Thứ hai, về chính sách hỗ trợ giáo dục, cả 3 tỉnh, thành phố đều có chính sách hỗ trợ thu nhập cho nhà giáo, qua đó tạo lòng tin cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động yên tâm gắn bó với nghề.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng việc hợp nhất cũng đặt ra không ít thách thức, trong đó nổi cộm là tình trạng thiếu giáo viên ở cả 3 khu vực, trải đều các bậc học, đặc biệt ở các môn đặc thù như Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật... Đây là bài toán chưa thể giải ngay. Ngoài ra, địa giới hành chính mới mở rộng, đa dạng vùng miền cũng đòi hỏi ngành giáo dục phải có giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng dạy và học.

ĐOÀN XÁ