Thu hút thí sinh vào ngành nông - lâm - thủy sản
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng dành cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược. Các chuyên gia đề xuất cần đưa khối ngành nông - lâm - thủy sản vào danh mục nhóm ngành công nghệ chiến lược được hỗ trợ học bổng.

Băn khoăn danh mục các ngành học nhận hỗ trợ
Theo Dự thảo, sinh viên, học viên cao học các ngành này ở cả trường công và tư, sẽ được cấp sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng mỗi tháng, tối đa 10 tháng/ năm. Ngoài ra, người học các ngành này còn được cấp học bổng theo mức trần học phí theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục của năm hiện hành đối với chuyên ngành tương ứng. Các mức là 100% cho kết quả học tập xếp loại xuất sắc, 70% cho kết quả học tập xếp loại giỏi và 50% cho kết quả học tập xếp loại khá. Việc cấp học bổng dựa vào kết quả học tập được nhiều chuyên gia ủng hộ sẽ góp phần tác động tích cực đến việc học tập của sinh viên.
Một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo đang thu hút nhiều sự quan tâm là danh mục các ngành học sẽ nhận được sự hỗ trợ. Đơn cử, đối với danh mục các ngành công nghệ chiến lược được hưởng chính sách hỗ trợ học bổng cũng đang có 2 phương án được đưa ra gồm các ngành công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ vũ trụ, công nghệ môi trường và công nghệ năng lượng tái tạo còn phương án 2 gồm các ngành công nghệ thông tin; kỹ thuật phần mềm, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử; công nghệ kỹ thuật tự động hóa; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu; công nghệ nano; công nghệ thông tin - an toàn thông tin; công nghệ môi trường; công nghệ thực phẩm; công nghệ điều khiển và tự động hóa, công nghệ truyền thông đa phương tiện; công nghệ y sinh; công nghệ chế tạo máy; công nghệ thông tin - khoa học dữ liệu.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững kinh tế biển và an ninh chủ quyền biển đảo quốc gia, nhiều chuyên gia đề xuất cần xem xét, bổ sung các ngành thuộc khối nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vào danh mục các ngành được hưởng chính sách học bổng theo Dự thảo. Thực tế nhiều năm nay số liệu thống kê của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) đều cho thấy, các ngành khoa học khối nông lâm nghiệp và thủy sản thuộc nhóm ngành có tỉ lệ tuyển sinh thấp với tỉ lệ nhập học thấp nhất. Một trong những nguyên nhân theo GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Lâm nghiệp là vì chính sách đầu tư của Nhà nước chưa cao, chưa mang tính chất đòn bẩy nhằm hỗ trợ và thu hút người học vào học các ngành học thuộc nhóm ngành này như đã và đang đầu tư cho nhóm ngành sức khỏe và nhóm ngành đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó là sự nhìn nhận của xã hội và người học về ngành học và do đặc thù của ngành học, địa bàn làm việc và thu nhập không cao hơn trong khi thường vất vả hơn.
Giải bài toán tuyển sinh ngành khó tuyển
Để thu hút học sinh giỏi vào các ngành học thiết yếu như nông, lâm, thủy sản, các trường ĐH đã cải thiện hạ tầng đào tạo, tăng hợp tác doanh nghiệp, đổi mới chương trình và chú trọng kỹ năng mềm. Đẩy mạnh truyền thông, học bổng cùng chính sách hỗ trợ của Nhà nước sẽ góp phần cải thiện thực trạng này, như từng thấy ở ngành sư phạm.
TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng ủng hộ cần đầu tư và hỗ trợ sinh viên nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chính là đầu tư cho tương lai xanh của đất nước. Bên cạnh các chính sách về đầu tư trong khi học cũng cần quan tâm định hướng, hướng nghiệp cho người học để chọn được những người phù hợp với lĩnh vực này. Khi người học có sự say mê, nỗ lực học tập sẽ có thể tìm được việc làm tốt và có mức lương đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt từ đó tác động trở lại đối với nhận thức xã hội về ngành nghề này.
Trước đó, Câu lạc bộ đào tạo nông – lâm – thủy sản (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) kiến nghị tăng đầu tư cho giáo dục ĐH và có chính sách đặt hàng đào tạo các ngành truyền thống khó tuyển như: cây trồng, đất, lâm sản, chăn nuôi, thủy sản… Đồng thời, đề xuất thành lập quỹ học bổng hoặc cấp bù học phí cho sinh viên nhóm ngành này, tương tự ngành sư phạm, nhằm giải bài toán thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cho nông nghiệp hiện tại và tương lai.
Thực tế, khối ngành nông – lâm – thủy sản có nhu cầu học thấp, tuyển sinh chỉ đạt 30 - 50% chỉ tiêu, chủ yếu từ điểm sàn, khiến chất lượng đầu vào giảm. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trình độ CĐ trở lên trong lĩnh vực này rất cao (khoảng 46.000 người/năm), nhưng lượng tuyển sinh mới chỉ đáp ứng 11,2%. Nếu không cải thiện, nguy cơ tụt hậu trong phát triển nông nghiệp và nông thôn là hiện hữu trong 5 - 7 năm tới.