Tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng pin toàn cầu
Theo báo cáo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu pin toàn cầu dự kiến sẽ tăng mạnh, gấp 4,5 lần vào năm 2030 và hơn 7 lần vào năm 2035, do chính sách thúc đẩy năng lượng sạch. Đây là cơ hội lớn cho các quốc gia tham chuỗi cung ứng pin toàn cầu trong đó có Việt Nam.
Số liệu báo cáo IEA cho thấy, công suất pin toàn cầu năm 2023 đạt khoảng 850GWh, tăng hơn 40% so với năm 2022, trong đó xe điện vẫn là động lực chính thúc đẩy thị trường pin. Nguồn nhu cầu về pin cho xe điện chiếm khoảng 750GWh tương đương gần 90% tổng nhu cầu về pin trong năm 2023. Hiện nay Trung Quốc là thị trường pin lớn nhất chiếm khoảng 55% nhu cầu toàn cầu. Việc tăng trưởng nhanh, nhu cầu lớn của thị trường pin tạo ra một cơ hội lớn cho các quốc gia tham gia chuỗi cung ứng pin toàn cầu. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào như niken, coban và đất hiếm.
Theo Quy hoạch Điện VIII, định hướng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5% vào năm 2050 và phát triển ngành xe điện 100% vào năm 2050. Điều này tạo ra nhu cầu pin lớn, không chỉ cho tiêu dùng trong nước mà còn cho xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay chuỗi cung ứng pin của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu với nhiều thách thức trước mắt.
TS Nguyễn Ngọc Thủy - điều phối viên quốc gia của Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) chia sẻ, nhu cầu pin được thúc đẩy bởi xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS), với các thị trường chính tại Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, để hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì việc tiến hành chuyển đổi năng lượng, phát triển pin lưu trữ cho hệ thống năng lượng cũng như phát triển ngành xe điện là vô cùng cần thiết.
Theo PGS.TS Đinh Công Hoàng - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chúng ta cần triển khai các chiến lược phát triển bền vững để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng pin xe điện toàn cầu. Các chiến lược bao gồm đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, đầu tư vào công nghệ sản xuất pin tiên tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy hợp tác quốc tế và bảo đảm tiêu chuẩn môi trường. Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng được PGS.TS Đinh Công Hoàng đề cập, đó là kết cấu hạ tầng hỗ trợ - phát triển mạng lưới trạm sạc phủ khắp đô thị và tuyến giao thông chính, bảo đảm người dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Đồng thời, tuân thủ các quy định về môi trường trong quá trình khai thác, sản xuất, tái chế pin, phát triển các công nghệ, cũng như quy trình tái chế pin đã qua sử dụng, tận dụng tối đa nguyên liệu và giảm lượng rác thải...