Kinh tế

Ứng dụng công nghệ trong ngăn chặn hàng giả, hàng nhái

Thái Nhung 26/07/2025 09:20

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), trong những tháng đầu năm, các giải pháp công nghệ mới như blockchain, QR code, hologram, NFC, RFID, mã vạch... góp phần quan trọng trong việc phát hiện hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu.

kt quan ly thi truong hang gia hang nhai
Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH dược phẩm quốc tế An Phát, phát hiện có buôn bán thuốc giả. Ảnh: QLTT Thanh Hóa.

Thủ đoạn tinh vi

Ngày 19/6, Đội Quản lý thị trường số 9 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa) phát hiện Công ty TNHH dược phẩm quốc tế An Phát (phường Hạc Thành, TP Thanh Hóa) có 7 nhóm sản phẩm gồm thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm có dấu hiệu hết hạn sử dụng, chưa được đăng ký lưu hành và có dấu hiệu là hàng giả.

Mới đây, ngày 20/7, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "buôn bán hàng giả" quy định tại điểm a, khoản 3, điều 192, Bộ luật Hình sự đối với đối tượng Nguyễn Việt Hùng (trú tại phường Tây Hồ, TP Hà Nội). Nguyễn Việt Hùng là chủ cửa hàng buôn bán điện thoại tại phường Tây Hồ. Hùng thường bán điện thoại Iphone đắt tiền trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó có bán cho người dân thuộc tỉnh Bắc Giang (cũ) với số lượng lớn. Quá trình làm việc, Hùng thừa nhận hành vi buôn bán điện thoại giả nhãn hiệu Iphone. Đồng thời Hùng tự nguyện giao nộp 120 chiếc điện thoại giả nhãn hiệu Apple Iphone 15 Pro Max; 68 chiếc điện thoại giả nhãn hiệu Apple IPhone 16 Pro Max; 18 chiếc máy tính bảng giả nhãn hiệu Apple Ipad Pro - 11 inch (M4) cùng nhiều tài liệu, đồ vật liên quan đến hành vi phạm tội. Đây chỉ là 2 trong số hàng chục nghìn vụ việc liên quan đến hàng giả, gian lận thương mại đã được phát hiện.

Ứng dụng công nghệ thông minh để chống hàng giả

Để phát hiện hàng giả, các chuyên gia cho rằng, công nghệ là công cụ hữu hiệu, đặc biệt là công nghệ blockchain và bao bì chống giả. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu triển khai giải pháp này trên các sản phẩm của mình. Người tiêu dùng có thể quét mã QR trên bao bì để kiểm tra thông tin về xuất xứ, đơn vị sản xuất và lịch sử vận chuyển.

TS Trịnh Bá Dương - Chủ tịch Liên minh xúc tiến thương mại ASEAN HUB, chuyên gia đổi mới sáng tạo quốc gia cho rằng, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng phổ biến trên thị trường với nhiều hình thức tinh vi. Các đối tượng làm giả không chỉ sao chép mẫu mã, mà còn giả mạo cả thông tin, dữ liệu và mã truy xuất. Sữa, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… là nhóm hàng hóa có nguy cơ bị làm giả, làm nhái, gian lận thương mại nhiều nhất. Tình trạng này làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường hàng hóa và doanh nghiệp.

Theo ông Dương, bên cạnh những phương pháp truyền thống như tem nhãn, mã vạch, các doanh nghiệp cần phải ứng dụng công nghệ thông minh và liên kết chuỗi dữ liệu, gắn vào mỗi sản phẩm. Dùng công cụ truy xuất nguồn gốc kết hợp công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến (RFID) kết hợp Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) đang được xem là giải pháp ưu việt, tạo nên hệ thống truy xuất nguồn gốc chính xác, minh bạch, có thể đối phó với mọi hình thức làm giả hiện đại. Việc nâng cao năng lực quản lý chuỗi cung ứng không chỉ là giải pháp ứng phó với hàng giả, mà còn là chiến lược sống còn để doanh nghiệp giành lại lòng tin người tiêu dùng và xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững.

Tuy nhiên, ông Dương cũng nhấn mạnh, bên cạnh công nghệ, người tiêu dùng cần thể hiện vai trò của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái. Người dân cần tạo thói quen quét mã truy xuất nguồn gốc, mua hàng từ các nguồn uy tín và từ chối tiếp tay cho sản phẩm không rõ ràng về xuất xứ.

Ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trong thời gian tới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như các gian lận thương mại khác vẫn diễn biến phức tạp. Đối với các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực thi nghiêm minh; rà soát, cập nhật luật pháp liên quan đến hàng giả, hàng nhái. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, điều tra xử lý thông qua các biện pháp nghiệp vụ, chức năng nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông trên thị trường... Nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cảnh báo người tiêu dùng không tiếp tay cho sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả hàng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như các gian lận thương mại khác.

Đối với các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc kết hợp công nghệ nhận dạng sản phẩm rất quan trọng giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, chống hàng nhái, hàng giả, minh bạch thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với người tiêu dùng cần quét mã truy xuất nguồn gốc, mua hàng từ các nguồn uy tín, không mua sản phẩm không rõ ràng về xuất xứ. Từ bỏ thói quen mua hàng nhái chỉ vì giá rẻ, đồng thời cần lên tiếng khi phát hiện hàng giả, hàng nhái.

Thái Nhung