Văn hóa

Một lần ghé thăm Côn Đảo

Đoàn Xá 26/07/2025 10:11

Với vị trí địa lý nằm biệt lập trên biển, môi trường thiên nhiên hoang sơ, Côn Đảo luôn là địa điểm tham quan nổi tiếng, có nhiều nét riêng thú vị. Đặc biệt khi trở thành một đơn vị hành chính TPHCM, Côn Đảo dự kiến sẽ có bước tiến lớn để thu hút du khách từ khắp nơi…

duoi.jpeg
Một bãi biển ở Côn Đảo có nhiều rùa tìm tới mùa sinh sản. Ảnh Đ.Xá.

Trước khi sáp nhập và trở thành đặc khu của TPHCM, Côn Đảo bao gồm một nhóm 16 hòn đảo lớn nhỏ, là địa điểm du lịch nổi tiếng với thiên nhiên hoang sơ và trong lành. Trong đó, đảo Côn Sơn (thường gọi là Côn Đảo) là đảo chính, tập trung hầu hết cư dân, công trình kiến trúc văn hoá, tín ngưỡng lâu đời. Trong đó, điểm nhấn là du lịch gần gũi với thiên nhiên.

Tạp chí Time Out của Anh đã đưa Côn Đảo vào danh sách gợi ý 24 điểm đến hoang sơ, mới mẻ, ít đông đúc trên thế giới dành cho du khách. Trong đó, Côn Đảo xếp vị trí thứ 4 trong danh sách điểm đến hoang sơ này. Đây cũng là nơi có Vườn Quốc gia Côn Đảo xanh ngắt màu xanh của thiên nhiên, của núi rừng và cây cỏ.

Ở Côn Đảo hiện nay có rất nhiều bãi biển đẹp dành cho du khách và một số bãi biển hoang sơ. Đây chính là không gian sinh sống và sinh sản của nhiều loại rùa biển quý hiếm. Thời gian từ tháng 4 tới tháng 11, với cao điểm tháng 7, 8 là lúc loài rùa biển đẻ trứng, sinh con nhiều nhất.

Thời gian này trong năm, một số đoàn khách du lịch vẫn có cơ hội chiêm ngưỡng quá trình sinh sản của rùa, từ việc xem trứng, ấp ứng hay rùa non di chuyển về phía biển… Đó là khoảnh khắc thú vị và gần như rất khó bắt gặp lần thứ hai trong đời.

Tuy nhiên, để tận mắt chứng kiến quá trình này là điều không dễ dàng với du khách. Thậm chí ngay cả người dân địa phương sinh sống trên đảo nếu muốn chứng kiến những đàn rùa nhỏ bé hàng trăm con chạy từ bãi cát về với biển khơi cũng cần có kế hoạch, được sự chấp thuận và tham gia của cán bộ kiểm lâm bảo vệ vườn quốc gia. Bởi thời gian sinh sản là thời gian dễ tổn thương với rùa nên cần tránh sự tiếp xúc của con người.

Với quy mô rộng khoảng 80 cây số vuông, Côn Đảo có nhiều bãi biển là nơi sinh sống của các loại rùa biển mùa sinh sản. Trong đó, khu vực hòn Bảy Cạnh, một đảo nhỏ nằm giáp đảo chính là nơi rùa tập trung nhiều nhất, có ngày tới hàng trăm con tìm tới các bãi cát để đẻ trứng. Đây cũng được cho là nơi có khá nhiều rùa tìm tới trong mùa sinh sản.

Theo một cán bộ kiểm lâm của Vườn quốc gia Côn Đảo, để tận mắt chiêm ngưỡng rùa đẻ trứng, nở con non là một “cơ duyên” bởi ngay cả khi đúng mùa nhưng điều kiện thời tiết khác (sóng gió, mưa bão…) thì có thể rùa mẹ sẽ không xuất hiện. Thông thường thời tiết thuận lợi, con nước cạn là rùa sẽ xuất hiện nhiều. Toàn bộ quá trình đẻ trứng của rùa mẹ đều diễn ra ban đêm nên du khách phải mất ít nhất một đêm để chứng kiến quá trình này.

Khi mặt trời vừa khuất sau phía biển, rùa mẹ sẽ bơi lên bờ, chậm chạp di chuyển trên bãi cát dài, tìm vị trí thích hợp khô ráo rồi đào cát làm tổ, ẩn mình và đẻ trứng. Sau đó, rùa mẹ lấp cát lên trứng, cẩn thận xoá đi dấu vết đào bới của chính mình để chắc chắn trứng được an toàn. Chúng sẽ nằm ở đó một thời gian rồi bơi về biển.

Với trứng rùa, sau khi nở, chúng sẽ tự trồi mình ra khỏi lớp cát mỏng và bơi về biển. Một đặc điểm thú vị theo lời kể của cán bộ kiểm lâm là, nếu sau khi đẻ trứng mà trời nắng nóng thì đa số trứng rùa sẽ nở thành rùa đực, ngược lại, trời mưa thì đa số trứng rùa sẽ thành rùa cái.

Nếu từ tháng 7 đến tháng 9 là mùa sinh sản của rùa biển thì thời gian còn lại, tháng 10 đến tháng 3 năm sau, là mùa gió chướng, vùng biển vịnh Côn Sơn có sóng lớn, nhưng vùng biển phía Tây Nam đảo lớn vẫn êm, không mưa, do đó du khách có thể chuyển hướng tham quan sang khu vực này, cảnh quan thiên nhiên cũng hoang sơ và tươi đẹp vô cùng.

Đoàn Xá