Kinh tế

Xây dựng nông thôn mới: Theo hướng hiện đại và giảm nghèo bền vững

Lê Bảo 26/07/2025 08:50

Ngày 25/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức Hội thảo tham vấn Bộ tiêu chí quốc gia các cấp giai đoạn 2026-2030. Theo các đại biểu, xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2026-2030 là yêu cầu cấp thiết, nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, thích ứng hiệu quả với bối cảnh mới, tạo nền tảng vững chắc để nông thôn phát triển bền vững, thực chất trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, sau 15 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (Chương trình) giai đoạn 2010- 2025 cho thấy, Bộ tiêu chí NTM là công cụ quan trọng để cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng NTM, làm căn cứ để thực hiện công tác lập kế hoạch và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn NTM đối với các địa phương. Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai, Chương trình Bộ tiêu chí NTM đã không còn phù hợp. Đáng chú ý trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện xây dựng NTM ở địa phương vẫn còn gặp vướng mắc, khó khăn. Theo đó, một số chỉ tiêu, tiêu chí xã NTM/ NTM nâng cao phải sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Về định hướng xây dựng bộ tiêu chí NTM mới, Văn phòng Điều phối NTM trung ương cho biết, xây dựng theo hướng có tính đột phá để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng trong xây dựng NTM, để các địa phương sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao tiếp tục phấn đấu thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng NTM hiện đại, phù hợp với bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Bên cạnh đó tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự linh hoạt khi quy định mức độ đạt chuẩn để phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển của từng địa phương; đồng thời lượng hóa tối đa các tiêu chí bằng các chỉ tiêu có thể đo đếm nhằm đánh giá đúng thực chất, khách quan kết quả thực hiện, đảm bảo việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tránh lãng phí.

Theo đó, với bộ tiêu chí NTM hiện đại giai đoạn 2026-2030 tập trung theo hướng nâng cao chất lượng các tiêu chí so với mức đạt NTM nâng cao, để các xã đạt chuẩn NTM nâng cao tiếp thực thực hiện xây dựng xã NTM hiện đại, tiệm cận điều kiện về hạ tầng và dịch vụ của đô thị văn minh, sáng, xanh, sạch đẹp, bình yên, giàu bản sắc văn hóa.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, dự thảo Bộ tiêu chí đã tích hợp tối đa các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trong đánh giá nghèo đa chiều để đảm bảo tính liên tục trong việc phấn đấu thoát nghèo và hướng tới đạt chuẩn NTM.

Cũng theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, hiện nay có ý kiến đề xuất xem xét, trình ban hành Bộ tiêu chí về xã nghèo để đảm bảo tích hợp các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trong 1 chương trình chung, đồng thời là cơ sở để xác định đối tượng theo từng nhóm xã.

Theo ông Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giai đoạn vừa qua chúng ta đã làm tốt việc đổi mới bộ mặt nông thôn, nhất là về cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo và thay đổi kết cấu sinh kế của hộ theo hướng tăng thu nhập phi nông nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay mục tiêu của NTM trong giai đoạn tới không thể đơn thuần chỉ là nâng cao và hiện đại với 19 tiêu chí trước đây. Thậm chí, quá trình phát triển nông thôn cũng không chỉ là sự tiếp nối ở mức nâng cao hơn giai đoạn vừa qua mà cần đảm bảo chạy nước rút để về đích công nghiệp hóa, đô thị hóa 10 năm tới; quá trình chuyển đổi xã hội nông thôn sang xã hội đô thị…

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường cũng cho rằng, sau 15 năm thực hiện Chương trình NTM, cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn đã thực sự thay đổi rõ rệt, đời sống người dân nông thôn được cải thiện, nhất là các xã, huyện và tỉnh đạt được các tiêu chí nông thôn mới theo quy định, nhóm các tiêu chí về cảnh quan môi trường được chú trọng và có sự cải thiện nhất định ở nhiều địa phương. Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ở nông thôn gia tăng báo động như hiện nay thì vấn đề môi trường cần được nhìn nhận là một trong bốn nhóm cơ bản của sự phát triển bền vững, đó là kinh tế, xã hội, môi trường và quản trị. Theo đó, để thực hiện các chỉ tiêu về môi trường, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra đối với khu vực nông thôn là “Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị”.

Lê Bảo