Xóa nhà tạm cho người có công: Sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Tháng 7, tháng của tri ân, tháng mà cả dân tộc hướng về những người đã ngã xuống, những người đã hiến dâng tuổi xuân, máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong dòng chảy thiêng liêng ấy, những mái nhà tình nghĩa trong “chiến dịch” xóa nhà tạm, nhà dột nát lần lượt được hoàn thiện và bàn giao cho người có công còn gặp khó khăn về nhà ở như một minh chứng sống động cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

Từ chính sách nhân văn…
Theo Cục Người có công (Bộ Nội vụ), hiện nay, cả nước có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó gần 1,4 triệu người đang được hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng từ Nhà nước.
Sau khi hoàn thành Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công giai đoạn 2013-2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (cũ) nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã phối hợp với Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg. Theo đó, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công tiếp tục được triển khai trong năm 2025, với mục tiêu hoàn thành hơn 44.000 căn nhà, bao gồm cả sửa chữa và xây mới.
Cùng lúc đó, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động Phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025. Các địa phương đã khẩn trương vào cuộc, quyết tâm hoàn thành chương trình, trong đó cùng tập trung ưu tiên cho người có công với mục tiêu cao nhất, không để một gia đình chính sách nào còn phải sống trong điều kiện nhà ở tạm bợ.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đến trước ngày 27/7, toàn quốc phải hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 100% người có công còn khó khăn về chỗ ở, một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, từ đó góp phần hoàn thành toàn bộ mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/8. Một điểm sáng trong chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công còn khó khăn về chỗ ở là cách tiếp cận không coi việc hỗ trợ là sự ban ơn hay từ thiện, mà là của Đảng, Nhà nước, toàn thể nhân dân với những người đã hiến dâng vì đất nước. Mỗi căn nhà không đơn thuần là nơi che mưa nắng, mà còn là biểu tượng tri ân, là nơi chốn bình yên để người có công an cư, lạc nghiệp.
Việc hoàn thành mục tiêu này thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với người có công; là biểu hiện của lòng tri ân sâu sắc với những người đã hy sinh, cống hiến xương máu cho độc lập, tự do và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc – đặc biệt là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Cả nước đã hỗ trợ xóa hơn 266.500 nhà tạm, nhà dột nát
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến hết ngày 19/7/2025, toàn quốc đã hỗ trợ xóa 266.511 căn nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, khánh thành 231.513 căn và khởi công, xây dựng dở dang 34.998 căn. Về số liệu cụ thể, theo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đã hỗ trợ 41.843 căn nhà đối với người có công với cách mạng. Trong đó, khánh thành 35.031 căn và khởi công, xây dựng dở dang 6.812 căn. Cùng với đó, hỗ trợ 86.990 căn nhà thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, khánh thành 80.809 căn và khởi công, xây dựng dở dang 6.181 căn. Hỗ trợ 128.760 căn nhà thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, với 109.220 căn khánh thành và 19.540 căn đã khởi công và xây dựng dở dang. Hỗ trợ các đối tượng khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ có khó khăn về nhà ở… gần 9.000 căn.
… đến hành động thiết thực
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, tính đến ngày 20/7, toàn tỉnh đã hoàn thiện 15.868 căn nhà, đạt 100% kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, riêng với đối tượng người có công và thân nhân liệt sĩ là 1.065 căn nhà (515 căn xây mới, 550 căn sửa chữa). Tại các thôn, bản, người dân nhiệt tình góp công, vận chuyển vật liệu, san lấp mặt bằng, thể hiện rõ nét tình làng nghĩa xóm, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Việc hoàn thành 100% kế hoạch trước thời hạn là sự thành công về lòng dân, về tình cảm, về truyền thống. Mỗi căn nhà được trao đúng dịp 27/7 là sự tri ân sâu sắc với người có công với nước, là đạo lý trường tồn “uống nước nhớ nguồn” và khát vọng không để ai bị bỏ lại phía sau.
Một điểm nhấn giàu cảm xúc là mô hình “Nhà nghĩa tình Cựu chiến binh” do Hội Cựu chiến binh Việt Nam triển khai. Vừa qua, Thượng tướng Bế Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam cùng các đại biểu đã dự lễ bàn giao ngôi nhà mới cho cựu chiến binh Nguyễn Danh Hải (thôn Bình Dân, xã Minh Thanh). Ngôi nhà rộng gần 100m2 được khởi công từ tháng 4/2025 với kinh phí 80 triệu đồng hỗ trợ từ Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Đây là món quà mang giá trị tinh thần lớn lao, giúp gia đình cựu chiến binh Nguyễn Danh Hải có chốn an cư đúng dịp cả nước kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Bà Vương Ngọc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, Tuyên Quang xác định rõ quan điểm phải hỗ trợ đúng đối tượng, minh bạch và công khai. Mỗi ngôi nhà là một lời tri ân cụ thể, thiêng liêng gửi tới người có công. Việc xây dựng phải kiên cố, bền vững, xứng đáng với tấm lòng và công lao to lớn mà họ đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc.
Không chỉ là những mái nhà, chương trình xóa nhà tạm cho người có công tại Tuyên Quang còn là biểu tượng rõ nét của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là minh chứng cho sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân. Cách làm của Tuyên Quang, trong đó có việc kiện toàn mô hình chính quyền 2 cấp, huy động nguồn lực linh hoạt, tăng cường phân cấp, phân quyền... đang tạo nên những chuyển động tích cực về an sinh xã hội, phát triển bền vững vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” - bà Hà chia sẻ.
Cũng giống như nhiều địa phương khác, tỉnh Cà Mau cũng đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ông Nguyễn Hồ Hải - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết, thực hiện Chỉ thị số 34 ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới và Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Cà Mau đã tiến hành tổ chức rà soát nhu cầu hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh là 9.671 căn, trong đó: tỉnh Cà Mau cũ là 4.400 căn, tỉnh Bạc Liêu cũ là 5.271 căn. Ngay trong trung tuần tháng 6/2025, tỉnh Cà Mau cũ đã tổ chức tổng kết Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, hoàn thành 4.400/4.400 căn, đạt 100% chỉ tiêu, vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra gần 3 tháng.
“Hiện nay, chúng tôi tiếp tục hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũ là 5.194 căn, giảm 77 căn sau khi các xã, phường rà soát lại sau sáp nhập. Như vậy, chúng ta đã hoàn thành 9.594 căn, đạt 100% chỉ tiêu đề ra” - ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.

Làm đẹp thêm lẽ sống mình vì mọi người
Những ngôi nhà được dựng lên không chỉ là mái ấm vật chất, đó còn là điểm tựa tinh thần, là minh chứng cho tình cảm sâu nặng của Đảng, Nhà nước, MTTQ và nhân dân với người nghèo, người có công. Điều ấy được thể hiện rõ trong cách làm của từng địa phương, từ khâu rà soát kỹ lưỡng, phân loại chính xác đối tượng, đến vận động nguồn lực xã hội hóa, giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng công trình.
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng tạo cơ hội lan tỏa giá trị tri ân trong xã hội. Tại nhiều nơi, đoàn viên thanh niên, sinh viên tình nguyện đã tham gia hỗ trợ xây dựng nhà. Các doanh nghiệp không tổ chức hoạt động hình thức mà trực tiếp góp quỹ hoặc nhận xây nhà tình nghĩa. Người dân trong thôn, bản cùng nhau đóng góp ngày công, vận chuyển nguyên vật liệu. Mỗi hành động ấy đều là những viên gạch xây nên truyền thống nghĩa tình, nhân văn của dân tộc Việt. Đặc biệt, các địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Sơn La, Tây Ninh, An Giang… đã về đích sớm chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có hỗ trợ nhà ở cho người có công. Đây là minh chứng rõ ràng rằng, khi cả hệ thống chính trị cùng hành động, khi xã hội đồng lòng, việc khó mấy đều thành hiện thực.
Công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát ghi nhận sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ các lực lượng cho đến người dân. Tinh thần của Thủ tướng “chỉ bàn làm, không bàn lùi” đã mang tới một khí thế mới để các địa phương “vượt nắng, thắng mưa” hoàn thành nhiệm vụ. Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” đã viết nên biết bao câu chuyện xúc động của tình người, tô đậm thêm truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta.
Trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, các địa phương đều có cách làm sáng tạo, thần tốc, đặc biệt trong việc giải quyết đất ở cho các hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát và cho các hộ thiếu đất. Cùng với đó, lực lượng vũ trang luôn đi đầu, đóng góp rất lớn cả về vật chất và công sức. Lực lượng công an, Lực lượng quân đội xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ, là trách nhiệm chính trị và là tình cảm của cán bộ, chiến sĩ qua đó thắt chặt tình cảm quân dân.
Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng tích cực vào cuộc. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động, ngành ngân hàng đã cam kết hỗ trợ 1.300 tỷ đồng và phân công cụ thể cho từng ngân hàng hỗ trợ các địa phương... Mới đây, dẫn đầu đoàn đại biểu ngành Ngân hàng đến UBTƯ MTTQ Việt Nam để trao số tiền 82 tỷ đồng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Ngân hàng ủng hộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, các đơn vị, tổ chức tín dụng trong ngành Ngân hàng đã phát huy cao độ trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong trong tổ chức triển khai thực hiện. Tính từ tháng 4/2024 đến nay, ngành ngân hàng đã cam kết hỗ trợ 1.365 tỷ đồng kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, trong đó các ngân hàng đã thực hiện ủng hộ 1.100 tỷ đồng, số tiền còn lại sẽ được các ngân hàng giải ngân sau khi Bộ Dân tộc và Tôn giáo có hướng dẫn phân bổ là 180 tỷ đồng và các tỉnh, thành phố cung cấp đầy đủ hồ sơ cho ngân hàng là 85 tỷ đồng.
Có một điều chắc chắn rằng, thành quả của chương trình không chỉ được đo bằng số lượng căn nhà đã hoàn thiện mà còn được cảm nhận trong lòng mỗi người dân. Tính đến ngày 23/7/2025, theo số liệu cập nhật mới nhất từ các địa phương, toàn quốc đã cơ bản hoàn thành 100% công tác hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới hoặc cải thiện nhà ở cho các hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ. Như vậy, chúng ta không chỉ hoàn thành một nhiệm vụ chính trị, mà còn vun đắp thêm truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, cùng nhau đồng lòng, khẳng định quyết tâm, chương trình xóa nhà tạm nhà dột nát sẽ cán đích đúng tiến độ vào ngày 31/8/2025.
Ưu tiên nguồn lực làm nhà cho người có công

Bà Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh cho biết, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, với sự quan tâm đặc biệt tới các gia đình người có công, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu với Tỉnh ủy, phối hợp với UBND tỉnh, các tổ chức thành viên, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai quyết liệt chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó tập trung hỗ trợ trước tiên cho các hộ gia đình chính sách. Đặc biệt, xác định rõ mục tiêu, trước ngày 27/7 năm nay, toàn tỉnh hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở cho 302 hộ gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, nạn nhân chất độc da cam… có hoàn cảnh khó khăn. MTTQ tỉnh Bắc Ninh coi đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà là trách nhiệm đạo lý với những người đã cống hiến, hy sinh vì đất nước. Mỗi căn nhà được hoàn thiện là một minh chứng cụ thể cho sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với các thương binh, liệt sĩ; là sự nối tiếp truyền thống hiếu nghĩa, nhân văn của dân tộc. Không để ai bị bỏ lại phía sau, đó là quyết tâm và cũng là cam kết của hệ thống Mặt trận tỉnh Bắc Ninh trong thực hiện chương trình đầy nhân văn này.
Tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo

Thượng tá Trương Minh Đức - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự kiêm Trưởng Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu, thành viên Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Lai Châu cho biết, với quyết tâm cao độ, sự hy sinh thầm lặng của những người lính biên phòng, hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Lai Châu đang dần cán đích đúng lộ trình đặt ra. Ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, những mái ấm kiên cố đang từng hiện diện, cùng với đó là niềm tin, là động lực để người dân biên giới vươn lên ổn định cuộc sống, cùng nhau gìn giữ từng tấc đất quê hương nơi phên dậu Tổ quốc. Trong thời gian tới, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu tiếp tục huy động các nguồn lực góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lai Châu hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/8/2025. Trong đó giúp đỡ nhân dân xây mới, sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ những hộ gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, gió lốc, sạt lở đất. Ngoài ra các đồn biên phòng cũng chủ động có phương án hỗ trợ xây dựng thêm các công trình phụ trợ như nhà bếp, nhà vệ sinh, sân, nền đường đi, các vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết khác cho cuộc sống của bà con khi về nhà mới.