Tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm
Ngày 25/7, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của ngành Nội vụ.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ Nội vụ xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, xuyên suốt trong công tác quản lý nhà nước.
Về tinh giản biên chế, theo ông Long đến nay đã có 85.447 người đã có quyết định nghỉ việc, trong đó hơn 77.000 người đã nghỉ hưu hoặc thôi việc. Hơn 74.000 người được trình hoặc đã được duyệt kinh phí hỗ trợ.
Ngành Nội vụ cũng ghi dấu ấn trong xây dựng thể chế khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ ban hành hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm các luật, nghị quyết, nghị định và thông tư. Đáng chú ý, Luật Cán bộ, công chức năm 2025 đã được thông qua, đặt nền tảng cho quản lý công chức theo vị trí việc làm và thu hút nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, ông Long cũng thẳng thắn chỉ rõ việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền 2 cấp là việc chưa có tiền lệ, phức tạp nên bước đầu còn lúng túng. Cụ thể, việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng đôi lúc chưa kịp thời. Công tác số hóa tài liệu lưu trữ chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn có biểu hiện ngại khó, ngại thay đổi, ý thức, trách nhiệm chưa cao.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Nội vụ cho biết sẽ tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành, bảo đảm bộ máy mới đi vào vận hành ổn định, hiệu quả, không gián đoạn. Tăng cường tổ chức các đoàn công tác nắm thực tiễn địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung hoàn thành dự thảo Luật Viên chức (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Đồng thời khẩn trương ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn các luật đã được thông qua để bảo đảm hiệu lực và tính đồng bộ với việc triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền.
Ngành Nội vụ cũng cho biết sẽ tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm. Cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Có biên chế hợp lý, thu hút, giữ chân cán bộ giỏi về công tác ở cơ sở. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ thực chất, vì việc tìm người trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được; thực hiện cơ chế thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và người có tài năng làm việc trong khu vực công.
Phất biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, trong công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ là tâm điểm của cuộc cách mạng với vai trò nòng cốt tham mưu, đề xuất và trực tiếp gánh vác sứ mệnh lịch sử “chưa từng có tiền lệ”.
Theo bà Trà, cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, triết lý phát triển nhanh, bền vững với phương châm: đồng bộ, toàn dân, toàn diện, triệt để, thần tốc, táo bạo, hiệu quả. Trong đó, ngành Nội vụ là tâm điểm của cuộc cách mạng với vai trò nòng cốt tham mưu, đề xuất và trực tiếp gánh vác sứ mệnh lịch sử chưa từng có tiền lệ, “vừa chạy vừa xếp hàng”. Từ đó, đòi hỏi tham mưu, thực hiện ngay ngắn, thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, nhiều chiều, bài bản, đồng bộ nhưng nhất quán và toàn diện.