Chính trị

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Maroc

Theo TTXVN 26/07/2025 08:12

Tại Tọa đàm chính sách thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Maroc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Việt Nam mong muốn mở rộng hợp tác thực chất, hiệu quả với các quốc gia châu Phi, đặc biệt là Maroc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự khai mạc Tọa đàm chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Maroc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự khai mạc Tọa đàm chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Maroc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc, chiều 25/7 theo giờ địa phương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự tọa đàm về chính sách thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Maroc.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Maroc Chakib Alj cho rằng cuộc Tọa đàm cho thấy sự quan tâm của các nhà lãnh đạo đến cộng đồng doanh nghiệp hai quốc gia vì lợi ích chung của hai dân tộc cũng như sự quan tâm của Quốc hội/Nghị viện đến sự phát triển kinh tế của hai nước trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.

Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Maroc chia sẻ, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Quốc vương và Chính phủ, Maroc đã có sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua.

Maroc được coi là cửa ngõ quan trọng vào thị trường châu Phi với nền kinh tế tăng trưởng ổn định, công nghiệp phát triển, cơ sở hạ tầng hiện đại, đặc biệt là đường sắt cao tốc (hệ thống đầu tiên ở châu Phi) và hệ thống đường cao tốc phát triển, và nguồn nhân lực qua đào tạo chất lượng cao.

Maroc cũng xác định tầm nhìn từ nay đến năm 2030, theo đó sẽ tập trung phát triển năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ.

Theo Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Maroc, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới với thế mạnh về chế biến nông sản, điện tử, giáo dục-đào tạo và là đối tác mà các quốc gia đều mong muốn hợp tác. Do đó, việc thúc đẩy hợp tác giữa Maroc và Việt Nam sẽ đem lại nhiều cơ hội, nhất là trong các lĩnh vực như hàng không, năng lượng xanh, logistics…

Với cộng đồng doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở cả hai quốc gia, cuộc tọa đàm này là cơ hội quý báu để tăng cường kết nối hai nền kinh tế. Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Maroc mong muốn hợp tác với Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu hợp tác giữa một quốc gia châu Phi và một quốc gia châu Á.

ttxvn-chu-tich-quoc-hoi-du-toa-dam-thuc-day-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-va-dau-tu-viet-nam-maroc2.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Tọa đàm chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Maroc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết tọa đàm là cơ hội quý báu để doanh nghiệp Việt Nam-Maroc cùng trao đổi, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Bày tỏ vui mừng khi đến thăm đất nước Maroc tươi đẹp, giàu lòng mến khách, Chủ tịch Quốc hội cho biết đã có các cuộc hội kiến, hội đàm rất thành công với Thủ tướng Aziz Akhannouch, Chủ tịch Hạ viện Rachid Talbi Alami, Chủ tịch Thượng viện Mohamed Ould Errachid.

Chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa các cơ quan lập pháp hai nước, tạo xung lực để mở rộng hợp tác song phương trên các lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam luôn quan tâm, coi trọng các nước bạn bè ở châu Phi, đặc biệt là Maroc.

Chủ tịch Quốc hội cho biết mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội.

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09%; 15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt; GDP đạt khoảng 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 4.700 USD. 6 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7,52%.

Hiện, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 34 trên thế giới, phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã thu hút khoảng 20 tỷ USD vốn đăng ký.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Maroc là rất lớn, nhưng vẫn chưa được khai thác tương xứng. Kim ngạch thương mại song phương còn khiêm tốn và các dự án đầu tư trực tiếp giữa hai nước vẫn còn hạn chế.

Tọa đàm là cơ hội quý báu để hai bên cùng trao đổi, tìm ra các giải pháp nhằm tháo gỡ rào cản, hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy hợp tác kinh tế bền vững.

ttxvn-chu-tich-quoc-hoi-du-toa-dam-thuc-day-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-va-dau-tu-viet-nam-maroc3.jpg
Đại biểu Maroc dự Tọa đàm chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Maroc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chia sẻ một số định hướng chính trong việc hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Maroc trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị hoàn thiện khung pháp lý song phương. Hai nước cần rà soát và ký kết các hiệp định còn thiếu, cần đẩy mạnh hợp tác đầu tư công-tư (PPP) trong các ngành thế mạnh.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ mô hình xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi cung ứng nông nghiệp-thủy sản, trung tâm chế biến xuất khẩu và sàn giao dịch hàng hóa phù hợp với điều kiện khí hậu và xã hội của Maroc.

Đồng thời, hai bên cần tăng cường kết nối doanh nghiệp. Các hiệp hội doanh nghiệp, như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các đối tác Maroc cần đẩy mạnh các chương trình giao thương, triển lãm và hội chợ để doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác cụ thể.

Về hợp tác đa phương tại châu Phi, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Maroc, với vị trí chiến lược và vai trò ngày càng quan trọng tại châu Phi, có thể cùng Việt Nam triển khai các dự án hợp tác ba bên hoặc bốn bên, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ, với sự tham gia của các nhà tài trợ quốc tế. Thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp, dệt may, giày da..."

ttxvn-chu-tich-quoc-hoi-du-toa-dam-thuc-day-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-va-dau-tu-viet-nam-maroc4.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về trao đổi kinh nghiệm lập pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội Việt Nam, Thượng viện và Hạ viện Maroc thường xuyên trao đổi, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp Maroc tới đầu tư vào Việt Nam, đồng thời doanh nghiệp Việt Nam tới đầu tư vào Maroc.

Tại tọa đàm, đại diện bộ, ngành Việt Nam đã giới thiệu môi trường đầu tư của Việt Nam; đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam và Maroc, các định hướng tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp.

Doanh nghiệp hai bên cũng trao đổi, chia sẻ cơ hội đầu tư trong một số lĩnh vực.

Tại cuộc tọa đàm, hai bên đã trao Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam-Maroc.

Theo TTXVN