Khởi công cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh
Dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh được hoàn thành sẽ góp phần từng bước hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL.
Sáng 26/7, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, giai đoạn 1.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 là một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Dự án có chiều dài tuyến khoảng 26,6 km.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư phân kỳ quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 6.128 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án dự kiến là 3 năm (năm 2025 - 2028).
Dự án có điểm đầu kết nối với tuyến N2 (thuộc xã Đốc Binh Kiều, tỉnh Đồng Tháp), điểm cuối kết nối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh, thuộc phường Mỹ Trà, tỉnh Đồng Tháp).
Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Phạm Minh Hà thay mặt Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành và bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho dự án trong Quý III/2025.
Tiếp tục hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến mỏ vật liệu, bãi đổ thải cho dự án; đảm bảo an ninh, trật tự, tổ chức giao thông thuận tiện, an toàn cho nhân dân trong quá trình triển khai dự án.
.jpg)
Ông Phạm Minh Hà đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Chủ đầu tư) tổ chức điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo chặt chẽ đúng pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các nhà thầu xây dựng tiến độ thi công tổng thể, chi tiết phù hợp với tiến độ hoàn thành dự án làm cơ sở đôn đốc các đơn vị thực hiện; hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù đảm bảo đủ nguồn vật liệu để tổ chức thi công dự án.
Yêu cầu các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế cần xác định rõ đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa rất đặc biệt đối với các tỉnh vùng ĐBSCL.
"Mỗi hạng mục thi công đều phải đảm bảo tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, huy động hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm để thực hiện dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng; kịp thời đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo nhân dân", ông Phạm Minh Hà phát biểu.
Bên cạnh đó, ông Phạm Minh Hà cũng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan của Bộ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thi công Dự án; hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc chủ động tham mưu cho Bộ Xây dựng giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh (nếu có) để Dự án hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT.02) dài khoảng 1.205 km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe (từ Tuyên Quang đến An Giang).
Đây là một trong hai tuyến cao tốc trục dọc xuyên suốt đất nước, tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chia sẻ lưu lượng cho đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường liên kết vùng, kết nối đô thị - nông thôn, phát huy hiệu quả đầu tư các tuyến cao tốc trục ngang và hệ thống giao thông địa phương, góp phần phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng - an ninh, cứu hộ cứu nạn.
Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Xây dựng đã đầu tư xây dựng và chuẩn bị hoàn thành trong năm 2025 tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, một phần tuyến cao tốc Chơn Thành - Đức Hoà cùng với kế hoạch khởi công tuyến cao tốc Đức Hoà - Mỹ An trong năm 2026 thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh được đầu tư hoàn thành sẽ góp phần từng bước hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL.
Công trình còn tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương, đóng góp vào mục tiêu hoàn thành 5.000km đường bộ cao tốc vào năm 2030.