Xã hội

Chuyện về người vợ liệt sĩ: Mười ngày hạnh phúc... cả đời thương nhớ

Cẩm Kỳ 27/07/2025 14:37

Suốt hơn 60 năm, bà Trần Thị Tuấn vẫn âm thầm ở vậy thờ chồng là liệt sĩ hy sinh giữa chiến trường. Câu chuyện đời bà là một lát cắt lặng lẽ nhưng sâu sắc về đức thủy chung và sự hy sinh thầm lặng của người ở lại sau chiến tranh.

Hạnh phúc ngắn ngủi

Những ngày cuối tháng Bảy, thôn Tân Phong (xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) càng trở nên yên ắng, lặng lẽ. Trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ, tường đã loang mốc, mái ngói sờn màu, bà Trần Thị Tuấn (83 tuổi) ngồi lặng bên khung cửa, ánh mắt dõi về xa xăm. Trên bàn thờ là bức ảnh đen trắng đã phai màu của ông Nguyễn Đình Huề, người chồng bà cưới năm 20 tuổi, cũng là người đã mãi mãi ra đi giữa chiến trường năm 1965.

Tình yêu của bà Tuấn và ông Huề nảy nở giữa những ngày quê hương chìm trong khói lửa chiến tranh. Họ quen nhau trong các buổi sinh hoạt thanh niên, trong những lần gánh nước, cấy lúa giữa cánh đồng quê. Yêu nhau trong thời loạn, họ càng trân trọng từng khoảnh khắc ngắn ngủi được ở bên nhau.

ba tuan1
Bà Trần Thị Tuấn thắp nén nhang tưởng nhớ người chồng là liệt sĩ Nguyễn Đình Huề, người đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt năm 1965. Ảnh: Cẩm Kỳ

“Cũng vì cái gật đầu năm ấy mà đời tôi chỉ còn lại nỗi nhớ, một vài kỷ niệm ngắn ngủi và sự cô đơn kéo dài đến hôm nay. Nhưng tôi không bao giờ hối tiếc…”, bà nhớ lại.

Ngày 26/12/1962, hôn lễ giản dị diễn ra: không áo cưới, không tiệc linh đình, chỉ có mâm trầu cau, vài nhành hoa hái từ vườn và lời chúc phúc mộc mạc của bà con lối xóm. Mười ngày sau, ông Huề trở lại đơn vị. Mỗi năm ông về thăm được một, hai lần, mỗi lần chỉ vài ngày. Mỗi lần gặp nhau là một lần khắc khoải chờ chia ly. “Mỗi lần về, ông ấy hay siết chặt tay tôi, hứa: Hết giặc mình về sum họp!”, bà kể, giọng trầm lại.

Nhưng lời hứa ấy không bao giờ thành hiện thực. Năm 1965, trong một trận đánh ác liệt, tin ông hy sinh được gửi về qua bức điện báo ngắn ngủi. Căn nhà nhỏ từ đó không còn tiếng chân người lính trẻ, chỉ còn người vợ trẻ lặng lẽ sống với nỗi nhớ, với một bàn thờ và ký ức không tên.

Hơn nửa thế kỷ thờ chồng

Từ ngày chồng ngã xuống nơi chiến trường, bà Tuấn ở vậy, thờ chồng. Nhiều người từng ngỏ ý sẻ chia cuộc sống, nhưng bà từ chối tất cả. Với bà, tình yêu không tính bằng thời gian ở cạnh, mà bằng sự chung thủy đến cuối đời.

“Tôi là vợ ông và sẽ chỉ là vợ ông. Ông sống trọn với đất nước, tôi cũng sống trọn với ông!”, bà khẽ lau bức ảnh đen trắng, đôi tay run run vì tuổi tác.

Di vật duy nhất còn lại của chồng là bức ảnh cưới. Mọi giấy tờ, hồ sơ liên quan đã thất lạc sau nhiều năm chiến tranh. Suốt mấy chục năm qua, bà dò hỏi khắp nơi, gõ cửa nhiều cơ quan, lần theo từng manh mối để tìm lại phần mộ chồng, nhưng vô vọng.

ba tuan
Mỗi ngày, bà Trần Thị Tuấn đều nâng niu tấm di ảnh cũ kỹ của chồng như báu vật. Ảnh: Cẩm Kỳ

“Tôi chỉ mong trước khi nhắm mắt biết được ông nằm đâu, để thắp cho ông một nén nhang. Bao nhiêu năm qua tôi đi tìm, từ Hà Tĩnh vào tận Phú Yên, Bình Định… nhưng chưa một lần biết nơi ông yên nghỉ”, bà nghẹn giọng.

Cuộc sống hiện tại của bà dựa vào trợ cấp chính sách và sự cưu mang của hàng xóm. Mỗi tháng Bảy, chính quyền và hội phụ nữ lại đến thăm hỏi, tặng quà tri ân. Nhưng sau mỗi cuộc gặp, bà lại trở về với căn phòng cũ, với bức ảnh trên bàn thờ và nỗi nhớ khôn nguôi.

Tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng tâm nguyện được biết nơi chồng an nghỉ vẫn chưa một lần từ bỏ. Đó là lời nguyện cầu thầm lặng, là động lực để bà sống tiếp qua năm tháng.

ghep ba tuan
Liệt sĩ Nguyễn Đình Huề chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, đã anh dũng hy sinh năm 1965 vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Cẩm Kỳ

Cuộc chiến đã lùi xa. Những người cầm súng năm xưa đã hóa thân thành huyền thoại trong tâm khảm của bao thế hệ. Nhưng trong dòng chảy lặng lẽ của hậu phương, vẫn còn đó những người vợ như bà Tuấn đã dành cả cuộc đời để gìn giữ ký ức về một lời hứa chưa trọn của người lính năm nào.

Họ không ra chiến trường, không mang súng trong tay, nhưng sự hy sinh của họ thầm lặng mà to lớn: đánh đổi cả thanh xuân cho một tấm lòng son, sống một đời không chồng con, chịu đựng nỗi cô đơn không gì bù đắp.

Tháng Bảy tri ân, đất nước tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống và cũng cúi đầu trước những người mẹ, người vợ như bà Trần Thị Tuấn - hiện thân sống động của lòng thủy chung, đức hy sinh và nghĩa tình với người chồng đã ngã xuống vì Tổ quốc.

"Bà Trần Thị Tuấn là hình mẫu tiêu biểu về người phụ nữ hậu phương thời chiến: sống thủy chung, giàu đức hy sinh, giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng, đồng thời luôn thể hiện phẩm chất hiền hậu, chan hòa với xóm giềng. Dù cuộc sống khó khăn, bà Tuấn vẫn luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước và tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Tấm gương sống vì chồng, vì lý tưởng cách mạng của bà là nguồn cảm hứng, là giá trị đạo đức cần được lan tỏa trong cộng đồng, nhất là với thế hệ trẻ hôm nay”.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Bí thư Chi bộ thôn Tân Phong

Cẩm Kỳ