Cẩn trọng với trào lưu dùng AI tạo ảnh bị xử phạt
Một thanh niên tại Hà Nội vừa bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ảnh giả Cảnh sát giao thông (CSGT) lập biên bản vi phạm. Tưởng chỉ là trò đùa mạng xã hội, hành vi này đặt ra cảnh báo nghiêm khắc về hậu quả pháp lý khi “sáng tạo nội dung” vượt quá giới hạn.
Công an TP Hà Nội cho biết, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện tài khoản facebook đăng tải 1 nam thanh niên đang đứng bên 1 ô tô biển kiểm soát “Tập Nái” ký nộp phạt với 1 cán bộ CSGT giữa đường phố gây nhiều tranh cãi. Qua xác minh, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xác định được chủ tài khoản là N.V.D. (trú tại Hà Nội). Sau khi làm việc tại cơ quan Công an, D. đã nhận thức được việc đăng tải bài viết kèm hình ảnh không đúng sự thật là hành vi vi phạm pháp luật.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định xử phạt N.V.D. về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” với mức xử phạt là 7,5 triệu đồng.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh tương tự như nam nữ thanh niên đứng bên cạnh siêu xe bị CSGT lập biên bản giữa phố. Hình ảnh có độ chân thực cao nhờ ứng dụng AI, dễ khiến người xem tưởng là thật. Nhưng phần lớn trong số đó đều là sản phẩm dàn dựng bằng công nghệ, không có thật. Trào lưu chế ảnh “bị CSGT xử phạt” đang lan nhanh trong giới trẻ và trở thành một dạng “giải trí sống ảo” nhưng lại tiềm ẩn rủi ro pháp lý không nhỏ.
Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, sự bùng nổ của các công cụ trí tuệ nhân tạo đã mở ra thời kỳ sáng tạo chưa từng có. Chỉ với vài dòng mô tả, người dùng có thể tạo ra hình ảnh, văn bản, video một cách dễ dàng, nhanh chóng và gần như không giới hạn về nội dung. Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người lạm dụng để tạo nên những câu chuyện không có thật rồi đăng tải công khai trên mạng xã hội.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân khi sử dụng mạng xã hội cần chú ý tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, tránh việc lạm dụng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội để đăng tải các nội dung vi phạm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Hành vi sử dụng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng Văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi sử dụng công nghệ để tạo ảnh giả, thông tin sai lệch về lực lượng Công an có thể bị xử lý theo nhiều quy định pháp luật, tùy mức độ vi phạm.
Cụ thể: nếu chỉ dừng ở mức đăng thông tin sai lệch, chưa gây hậu quả lớn: bị xử phạt hành chính theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Nếu hành vi có dấu hiệu vu khống, xuyên tạc nghiêm trọng, có thể bị truy cứu hình sự theo Điều 156 Bộ luật Hình sự (tội vu khống) có mức án cao nhất tới 7 năm tù.
Nếu lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xúc phạm, gây tổn hại đến uy tín cơ quan nhà nước, có thể bị xử lý theo Điều 331 Bộ luật Hình sự (lợi dụng quyền tự do dân chủ) với mức án cao nhất cũng lên tới 7 năm tù.
Ngoài ra, theo Luật An ninh mạng, việc đăng tải thông tin giả mạo về cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm bôi nhọ, xúc phạm hoặc gây rối trật tự xã hội cũng là hành vi bị nghiêm cấm.
“Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển bùng nổ, trào lưu sử dụng AI để tạo nội dung đang trở thành xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, sống ảo không đồng nghĩa với miễn trừ pháp luật. Việc ứng dụng AI cần đi kèm nhận thức đúng đắn về giới hạn pháp lý và đạo đức. Mỗi cú click chia sẻ tưởng chừng vô hại, nhưng nếu thiếu tỉnh táo, có thể khiến người dùng mạng trở thành đối tượng bị xử phạt thậm chí bị truy tố” - luật sư Hoàng nhấn mạnh.