Sự sống mong manh trên những chuyến xe đêm
Chiếc xe giường nằm đã bị thu hồi phù hiệu vẫn lăn bánh xuyên đêm, vượt hàng trăm cây số, chở theo hàng chục sinh mạng và kết thúc bằng một “cú lật định mệnh” cướp đi 10 mạng người. Tai nạn luôn đau lòng, nhưng càng không thể chấp nhận nếu những lỗ hổng cứ tiếp tục gieo tai họa.
Rạng sáng 25/7, chiếc xe khách giường nằm mang biển số Đà Nẵng bất ngờ lao vào lề đường rồi lật nghiêng trên quốc lộ 1A tại Hà Tĩnh. Tai nạn khiến 10 người tử vong, 15 người bị thương. Tài xế được xác định điều khiển xe tốc độ cao, hiện đã bị tạm giữ để phục vụ điều tra.
Đáng chú ý, chiếc xe này đã bị thu hồi phù hiệu vận tải từ hơn một tuần trước, đồng nghĩa với việc không còn đủ điều kiện hoạt động tuyến cố định. Tuy nhiên, nó vẫn chở khách, chạy xuyên đêm và kết thúc bằng thảm kịch. Điều này đặt ra câu hỏi: bằng cách nào một chiếc xe không còn phù hiệu vẫn có thể lưu thông đường dài mà không bị kiểm tra, xử lý?
Chiếc xe không thể tự chạy. Nó đi qua bến xe, qua trạm kiểm tra, qua hệ thống giám sát hành trình và có thể đã lọt qua các lớp giám sát một cách đáng tiếc. Điều này cho thấy cần nhìn nhận lại tính hiệu quả, sự phối hợp giữa các khâu trong chuỗi quản lý vận tải hành khách.
Nếu vụ tai nạn không xảy ra, liệu hành trình sai phép ấy có bị phát hiện? Bao nhiêu chiếc xe khác có thể đang hoạt động khi không đủ điều kiện? Và trong số đó, bao nhiêu đang tiềm ẩn rủi ro cho những sự cố tương tự?
Không thể phủ nhận trách nhiệm cá nhân của tài xế. Nhưng nếu chỉ xử lý ở mức cá nhân, mà không rà soát kỹ lưỡng toàn bộ quá trình kiểm tra, cấp phép, giám sát thì rất có thể những lỗ hổng tương tự sẽ tiếp tục tồn tại.
An toàn giao thông không thể dựa hoàn toàn vào ý thức của người điều khiển phương tiện. Đó phải là kết quả của một hệ thống vận hành hiệu quả từ cấp phép, kiểm soát, cảnh báo đến xử lý vi phạm nhằm đảm bảo mọi phương tiện lăn bánh đều được kiểm tra, theo dõi đúng quy trình. Thực tế, hệ thống đó đang bộc lộ những điểm cần củng cố.
Từ đầu năm 2025 đến nay, chúng ta chứng kiến không ít vụ tai nạn xe giường nằm nghiêm trọng. Đêm 8/7, trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hai xe khách tông nhau khiến 3 người tử vong, gần 40 người bị thương. Trước đó, đêm 21/2 tại Sơn La, một xe giường nằm mất lái khi vào cua, đâm vào xe đầu kéo, khiến 6 người tử vong, hàng chục người khác bị thương. Ba vụ tai nạn, ba tình huống khác nhau, nhưng đều xảy ra vào ban đêm và đều liên quan đến xe giường nằm.
Thực tế chúng ta không thiếu luật. Xe khách đường dài buộc phải có thiết bị giám sát hành trình, tài xế bị giới hạn thời gian cầm lái, xe chỉ được phép lưu thông khi có đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Nhưng các quy định này sẽ không phát huy hiệu quả nếu việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, quyết liệt.
Người dân không có nghĩa vụ và cũng không có khả năng kiểm tra tính pháp lý của phương tiện. Họ có quyền tin rằng khi bước lên một chiếc xe chạy tuyến cố định, họ đang được bảo vệ bởi một hệ thống vận tải an toàn. Nếu có những kẽ hở khiến một chiếc xe không đủ điều kiện vẫn lưu thông, thì không chỉ tính mạng, mà niềm tin xã hội cũng có thể bị tổn hại.
Trở lại với vụ xe khách giường nằm lật nghiêng trên quốc lộ 1A tại Hà Tĩnh khiến 25 người thương vong, nhiều ý kiến cho rằng việc khởi tố vụ án là cần thiết. Nhưng điều người dân kỳ vọng là một cuộc rà soát toàn diện từ khâu cấp phép, quản lý doanh nghiệp vận tải đến công tác giám sát hành trình, kiểm tra trên đường và xử lý vi phạm. Nếu có vi phạm trong chuỗi quản lý đó, cần chỉ rõ trách nhiệm, xử lý minh công khai. Danh sách xe vi phạm cũng nên được công bố để người dân biết, giám sát và lựa chọn.
Mỗi chuyến xe đêm là nơi người ta gửi gắm giấc ngủ, sự bình an và niềm hy vọng đến nơi an toàn vào sáng hôm sau. Không ai muốn phải tỉnh dậy giữa khói, máu và tiếng kêu cứu trong đêm. Sự sống trên những chuyến xe ấy không được phép mong manh chỉ vì những lỗ hổng không đáng có.