Nghệ sĩ càng phải sống chuẩn mực
Thời gian gần đây, ngành giải trí liên tục đón nhận những cú sốc lớn về nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật. "Nghệ sĩ, người nổi tiếng được coi là hình mẫu trong mắt công chúng. Nhưng danh tiếng không thể là tấm màn che lấp trách nhiệm. Trái lại, càng nổi tiếng, họ càng phải sống chuẩn mực, tuân thủ pháp luật và giữ gìn hình ảnh trước xã hội.
Mới đây, thông tin nhà thiết kế hàng đầu Nguyễn Công Trí bị bắt vì sử dụng ma túy khiến công chúng bàng hoàng. Một biểu tượng thời trang, người từng đại diện cho sự sáng tạo và đẳng cấp của làng mốt Việt, giờ lại trở thành tâm điểm của một vụ bê bối. Công chúng bàng hoàng không chỉ vì cú ngã của một người tài năng, mà còn vì sự đổ vỡ của niềm tin.
Người ta tự hỏi: Điều gì khiến một người đang ở đỉnh cao của sự nổi tiếng, danh vọng lại sa ngã? Là áp lực thành công? Là cô đơn sau ánh hào quang? Hay là sự thiếu kiểm soát trong một thế giới tưởng chừng rực rỡ? Thế nhưng, dù lý do là gì, cú trượt dài ấy một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh: danh tiếng không thể là tấm chắn bảo vệ khỏi những cám dỗ, và nghệ sĩ - những người của công chúng - càng cần phải có bản lĩnh để giữ mình.
Không chỉ riêng nhà thiết kế Công Trí mà trước đó cũng đã nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng vướng vòng lao lý. Cuối năm 2024, người mẫu Andrea Aybar (An Tây) bị Công an TPHCM khởi tố, bắt khẩn cấp để điều tra các hành vi tàng trữ, tổ chức sử dụng ma túy. Cùng thời điểm, nam ca sĩ Chi Dân bị phát hiện cùng bạn bè tụ tập sử dụng ma túy tại một căn hộ ở TPHCM.
Trước đó, năm 2023, diễn viên hài Trần Hữu Tín bị tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Khi mà danh sách nghệ sĩ, người nổi tiếng vướng vòng lao lý ngày càng dài, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng với công chúng và xã hội.
Không chỉ dừng lại ở những vụ việc liên quan đến ma túy, thời gian qua, làng giải trí Việt liên tiếp chứng kiến nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng vướng vào vòng lao lý bởi các hành vi vi phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong số đó, vụ việc Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố vì hành vi quảng cáo sai lệch về sản phẩm kẹo rau củ Kera đã gây chấn động dư luận và đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của người nổi tiếng trong quảng cáo sản phẩm thương mại.
Trước đó, người mẫu Ngọc Trinh cũng từng phải hầu tòa và bị Tòa án nhân dân TPHCM tuyên phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Cô bị tuyên án do đã thực hiện hành vi lái xe không đảm bảo an toàn, không trang bị đồ bảo hộ cần thiết, đồng thời đăng tải những hình ảnh, video phản cảm này lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực trong cộng đồng.
Nghệ sĩ là người của công chúng – mọi hành vi, phát ngôn đều có sức lan tỏa. Vì vậy, khi họ vướng vòng lao lý, tác động tiêu cực không chỉ dừng lại ở cá nhân mà còn gây tổn thương cho niềm tin của khán giả. Sự nổi tiếng giúp nghệ sĩ định vị tên tuổi trong lòng công chúng, nhưng không thể trở thành tấm lá chắn trước pháp luật. Trái lại, chính hào quang ấy khiến từng hành vi của họ bị soi xét kỹ lưỡng hơn, bị phán xét khắt khe hơn.
Trong xã hội hiện đại, đặc biệt là với sự phát triển của mạng xã hội, nghệ sĩ không chỉ là người biểu diễn trên sân khấu hay màn ảnh mà họ có thể là người định hình phong cách sống, suy nghĩ, hành xử cho nhiều người hâm mộ, nhất là giới trẻ.
Chính vì thế, bất kỳ hành vi vi phạm đạo đức hoặc pháp luật nào của nghệ sĩ đều không còn là chuyện “cá nhân”. Khi một nghệ sĩ bị bắt vì ma túy, khán giả sẽ tự hỏi: “Tại sao một người thành đạt, nổi tiếng, giàu có vẫn chọn cách sống như vậy?”. Câu hỏi đó lan ra xã hội và vô hình chung làm xói mòn niềm tin vào giá trị nỗ lực, tài năng chân chính.
Tuy vậy, qua những vụ việc như trên cũng là lời cảnh tỉnh về trách nhiệm của người nổi tiếng: danh tiếng không thể là tấm chắn cho sai phạm. Họ càng có ảnh hưởng thì càng cần sống gương mẫu, đúng pháp luật. Việc bị xử lý cũng góp phần khẳng định nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đồng thời là bài học răn đe, giúp định hướng lại giá trị đạo đức trong cộng đồng, đặc biệt là với giới trẻ.
Ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, quan điểm của lãnh đạo Cục và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng là công dân và buộc phải tuân thủ pháp luật. Mọi hành vi trái pháp luật, từ vi phạm giao thông đến những tội danh nghiêm trọng hơn, đều phải bị xử lý nghiêm minh, đúng quy định, không có vùng cấm hay ngoại lệ.
Nghệ sĩ càng phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng được xây dựng nhưng không nhằm thay thế luật pháp, mà là để hướng dẫn, khuyến khích nghệ sĩ hành xử có văn hóa, đúng chuẩn mực, trong phạm vi khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Còn về quy trình hạn chế xuất hiện của người nổi tiếng khi vi phạm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Quang Tự Do cho biết: Quy trình hạn chế phạm vi ảnh hưởng của người nổi tiếng vi phạm đã được Bộ ban hành từ năm ngoái nhưng chưa triển khai thí điểm. Dự kiến, văn bản sẽ được ban hành trong tháng 8.