Phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại Đại lễ Phật đản Phật lịch 2559

01/05/2015 14:50

Sáng ngày 1 – 6, Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2.559- dương lịch 2015. Tại lễ Phật đản, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu quan trọng khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của Phật giáo Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của nước nhà. Đại Đoàn Kết xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng này:

Phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại Đại lễ Phật đản Phật lịch 2559

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân

phát biểu tại Đại lễ Phật đản Phật lịch 2559

Đại lễ Phật đản năm nay đến với đồng bào Phật giáo trong không khí hân hoan, phấn khởi của nhân dân cả nước chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 2015 cũng là năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt dấu mốc quan trọng, đã hoàn thanh việc thành lập tổ chức Giáo hội ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới chư tôn đức giáo phẩm cùng toàn thể tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam ờ trong và ngoài nước. Chúc các vị giáo phẩm và đồng bào phật tử đón một mùa Phật đản an vui, thắm tình đạo vị trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại lễ Phật đản - Lễ Tam hợp (lễ Vesak) là ngày lễ quan trọng nhất đối với tất cả những người con Phật trên trái đất này. Đại lễ chào mừng 03 sự kiện quan trọng của đức Phật cũng như Phật giáo thế giới: Đức Phật đản sanh, đức Phật thành đạo và đức Phật nhập Niết bàn. Đại lễ diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Vesak, đã được Hội nghị Liên hữu Phật giáo Thế giới ấn định năm 1950 tại Colombo, Srilanca và ngày 15/12/1999 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết công nhận ngày Vesak là lễ hội Văn hóa tôn giáo thế giới. Trong Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ đã khẳng định: "Lời dạy của đức Phật và thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm cùa Ngài đã chuyển hóa hàng triệu người... ”.

Kính mừng Phật đản, ôn lại lịch sử hai nghìn năm của Phật giáo Việt Nam chúng ta đều thấy rằng: Đoàn kết hoà họp, đồng hành cùng dân tộc luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động Phật sự của tăng ni, phật tử, là nền móng vừng chắc để xây dựng ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam đáp ứng với yêu cầu sự nghiệp chung của đất nước. Các bậc cao tăng thạc đức và những người con Phật chân chính luôn luôn lấy việc tinh tiến tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc bảo vệ hoà bình làm mục tiêu hướng tới. Qua đó làm cho đạo đời hoà hợp nhân duyên thuận lý, góp phần xây dựng cuộc sống an lạc và hạnh phúc trong nhân gian.

Từ khi thành lập đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn phát huy tinh thần lục hòa, đoàn kết, vận động tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước tham gia đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới và phát triên đất nước. Các tăng ni, phật tử và nhà chùa đã có nhiều đóng góp vào phát triển giáo dục mầm non, bảo trợ xã hội, dạy nghề, khám chữa bệnh cho người nghèo, xây dựng Nhà đại đoàn kết, phòng chống HIV/AIDS, bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu... Giáo hội đã duy trì và phát triển các chương trình hoằng pháp tại châu Âu, châu Mỹ, châu úc và hành hương về đất Phật... Quan hệ quốc tế của Giáo hội tiếp tục được mở rộng với hàng trăm hoạt động thăm viếng, hội thảo khoa học, giao lưu trao đổi về Phật sự, văn hoá và từ thiện xã hội với Phật giáo các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, cũng vào thời gian này năm 2014, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc tại Bái Đính và ra Tuyên bố Ninh Bình. Các hoạt động đó đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao, trân trọng biểu dương và chúc mừng những kết quả hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như những đóng góp tích cực của Giáo hội và toàn thể tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong suốt 34 năm qua.

Trong niềm vui chào mừng Đại lễ Phật đản, tôi tin tưởng rằng, chư tôn đức, tăng ni và đồng bào Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống "Hộ quốc an dân" và phương châm "Đạo pháp - Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội" của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới. Tăng cường đoàn kết hoà hợp, củng cố, mở rộng và trang nghiêm Giáo hội, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên, các hệ phái, các thế hệ, các vùng miền. Vừa phát huy các giá trị đặc sắc của các hệ phái Phật giáo Việt Nam vừa mở rộng và tăng cường mối quan hệ đồng đạo, tình đoàn kết giữa Phật giáo với các tôn giáo ở Việt Nam. Phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào phật tử Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài, luôn hướng về cội nguồn, góp sức cùng nhân dân trong nước bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, sớm đưa đất nước ta tiến lên dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Một lần nữa xin kính chúc chư tôn đức giáo phẩm, các vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành tựu viên mãn trong mọi công việc Phật sự, thế sự.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2559

Phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại Đại lễ Phật đản Phật lịch 2559 - 1

Phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại Đại lễ Phật đản Phật lịch 2559 - 2

Phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại Đại lễ Phật đản Phật lịch 2559 - 3

Phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại Đại lễ Phật đản Phật lịch 2559 - 4

Phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại Đại lễ Phật đản Phật lịch 2559 - 5

Ảnh: Hoàng Long