Lắng nghe

Vi Cầm 22/08/2015 08:45

Vậy là từ sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, của người dân, đặc biệt là sự vào cuộc rốt ráo của nhiều cơ quan báo chí, truyền thông, quận Hoàn Kiếm đã chính thức đề nghị UBND thành phố Hà Nội tạm dừng việc đề xuất tại công văn ngày 28/7 về việc lát đá mặt đường các tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ, để tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh thiết kế đô thị cho các tuyến phố đi bộ.

Lắng nghe

Phố cổ Hà Nội.

Ảnh: Quốc Anh

Báo Đại Đoàn Kết cũng đã có loạt bài 2 kỳ (trong các ngày 13, 14/8/2015) liên quan đến đề xuất lát đá 11 tuyến phố đi bộ Hà Nội. Trong đó, đặt ra vấn đề: Lát đá phố cổ - nhiều tiền liệu có đẹp hơn; và việc UBND quận Hoàn Kiếm cho biết họ sẽ cân nhắc kỹ kế hoạch lát đá trong chiến lược bảo tồn phố cổ. Thật mừng là chỉ trong vòng một tuần sau đó, đề xuất lát đá được thông báo là tạm dừng.

Quận ủy Hoàn Kiếm đã ký văn bản yêu cầu UBND quận dừng triển khai đề xuất lát đá xanh tự nhiên trên 11 tuyến phố cổ vì chưa khả thi. Trong văn bản Thông báo 01- TB/ QU của Quận ủy Hoàn Kiếm (ngày 19/8) có nêu: Đối với đề xuất cải tạo mặt đường 11 tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ, việc lát đá trong giai đoạn này chưa khả thi. Lý do là bởi hiện nay UBND thành phố Hà Nội chưa phân cấp việc quản lý lòng đường cho quận Hoàn Kiếm. Hơn nữa, việc lát đá mặt đường phải thực hiện đồng bộ với cải tạo hạ tầng liên quan, trong khi nguồn lực kinh tế của quận Hoàn Kiếm không đủ đáp ứng yêu cầu đầu tư.

Trước đó, khi chúng tôi tìm hiểu về chủ trương lát đá phố cổ, ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - người trực tiếp ký văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội chấp thuận việc lát đá xanh trên 11 tuyến phố cổ đã giải thích: Nằm trong kế hoạch tổng thể bảo tồn phố cổ, ngoài giãn dân thì quận Hoàn Kiếm đang phải triển khai nhiều kế hoạch để bảo tồn kiến trúc, các giá trị văn hóa truyền thống. Do đó, việc cải tạo hạ tầng, trong đó có việc lát đá mặt đường các tuyến phố cũng nằm trong các kế hoạch trên.

Ông Hoa nhấn mạnh: Lát đá phố đi bộ mới chỉ là ý tưởng của quận. Từ việc nghiên cứu nhu cầu thực tiễn, thì đề xuất báo cáo để thành phố Hà Nội cho ý kiến chứ chưa phải là chủ trương chính thức. Hơn nữa, đề xuất này đang được đưa ra nhằm lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, giới chuyên gia. Hiện nay quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận được nhiều nguồn thông tin, nhiều ý kiến đóng góp khác nhau. Có cả đồng tình và phản đối. Chính quyền nhận thấy những ý kiến như vậy là rất tốt, và sẽ tiếp tục tranh thủ lắng nghe, tập hợp các ý kiến đóng góp. Trong đó ý kiến của nhân dân rất quan trọng.

Chúng tôi cũng hoàn toàn đồng tình với ý kiến của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm khi phân tích rằng, việc đưa ra lấy ý kiến rộng rãi về một chủ trương cũng là muốn biết sự ủng hộ của người dân đến đâu, còn nếu nói dừng ngay thì lấy ý kiến làm gì. Chính quyền quận Hoàn Kiếm sẽ không áp đặt. Chắc chắn không có chuyện nhiều người phản đối mà vẫn làm. Điều ấy cho thấy, trong câu chuyện lát đá phố cổ, chính quyền đang cầu thị và lắng nghe ý kiến của chuyên gia và của người dân.

Trong quá trình chúng tôi thực hiện loạt bài nói trên, các chuyên gia cũng đã đóng góp nhiều ý kiến rất thiết thực. Chẳng hạn như KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng nếu những con đường nhỏ ở phố cổ việc giao thông hiện nay đã tốt rồi thì chỉ cần lát đá vỉa hè và có qui định để quản lý giờ giấc, để những con phố ấy thành phố đi bộ. Không nên lát đá đại trà. Đ

iều mà không chỉ riêng KTS Phạm Thanh Tùng lấy làm quan ngại, đó là là lâu nay Hà Nội rất hay có những chủ trương vội vã, mà những chủ trương này đa phần đều liên quan đến sự tiêu tiền, trong khi lát đá phố cổ thì vô cùng tốn kém. Do đó, theo quan điểm của giới nghiên cứu, Hà Nội cũng nên rút kinh nghiệm từ những bài học trước đó để tránh gây lãng phí, cũng như những điều tiếng trong dư luận.

Tất nhiên, theo tinh thần công văn nói trên của Quận ủy Hoàn Kiếm, việc dừng lát đá mặt đường 11 tuyến phố để tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh thiết kế đô thị cho các tuyến phố đi bộ. Thời gian tới UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan quản lý, nhà khoa học, nhà chuyên môn và nhân dân về thiết kế đô thị các tuyến đường trên và về lát đá mặt đường tuyến phố đi bộ.Theo đó, kế hoạch sau đó phải đảm bảo tính khả thi và đồng bộ với cải tạo hạ tầng có liên quan như cải tạo hè, thoát nước, chiếu sáng, cải tạo mái hiên, quảng cáo và mặt đứng các tuyến phố trong khu phố này.

Được biết là ngày 20/8, UBND TP Hà Nội cũng có văn bản thông báo tới Sở Xây dựng, Sở Giao thông – Vận tải về việc dừng nghiên cứu đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm về lát đá mặt đường 11 tuyến phố cổ Hà Nội.

Như vậy, có thể hiểu đây mới là việc tạm dừng lại một đề xuất chưa khả thi. Nhưng dừng lại để lắng nghe, để nghiên cứu một cách thấu đáo và hợp lý trước khi triển khai một hạng mục trong dự án tổng thể bảo tồn phố cổ - thực là một việc rất đáng làm. Mà lẽ ra để Hà Nội trong mắt ai thực sự đẹp, thì việc lắng nghe dư luận đã phải được đặt ra từ sớm, từ lâu…

Vi Cầm