Giải quyết phá sản có bị kéo dài?

T.Dương 04/09/2015 22:01

TAND tối cao đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản. Tuy nhiên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI ) cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo Nghị quyết này dường như chưa thống nhất với Luật Phá sản và có thể tạo ra nguy cơ việc giải quyết phá sản bị kéo dài.

Giải quyết phá sản có bị kéo dài?

Ảnh minh họa.

Theo VCCI, Điều 5 Dự thảo xác định các trường hợp được xem là có “tính chất phức tạp của vụ việc”. Tuy nhiên một số trường hợp trong số này chưa thật hợp lý và thiếu rõ ràng, cụ thể.

Bởi theo phân tích của VCCI, khoản 4 Điều 5 Dự thảo quy định trường hợp việc tuyên bố phá sản tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

“Căn cứ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa rõ ràng, mang tính định tính, chưa tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng vì vậy có thể tạo ra sự tranh chấp về thẩm quyền giải quyết trên thực tế” - VCCI bày tỏ quan điểm.

Về trường hợp vụ việc phá sản mà phải giải quyết tranh chấp về khoản nợ, giải quyết các tranh chấp bị tạm đình chỉ, tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại Điều 41, Điều 59 của Luật Phá sản, VCCI cho rằng, theo quy định tại Điều 41, 59 Luật Phá sản thì các khoản nợ, giải quyết các tranh chấp bị tạm đình chỉ, tuyên bố giao dịch vô hiệu là các hoạt động được tiến hành sau khi Tòa án thụ lý vụ việc, trong khi việc xem xét thẩm quyền Tòa án lại là hoạt động trước khi Tòa án thụ lý.

Vì vậy, việc xác định các trường hợp này tại thời điểm xem xét thẩm quyền tòa án là chưa phù hợp với Luật Phá sản. Bởi về quy trình, nếu Tòa án thụ lý vụ việc và thực hiện hết các hoạt động quy định tại Điều 41, 59 Luật Phá sản sau đó mới xác định lại thẩm quyền Tòa án sẽ khiến cho việc giải quyết vụ việc phá sản bị kéo dài và nhiều hoạt động đã thực hiện sẽ phải thực hiện lại.

Theo VCCI, Điều 6 Dự thảo quy định về các trường hợp chuyển vụ việc phá sản cho Tòa án có thẩm quyền sau khi Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, quy định này dường như chưa thống nhất với Luật Phá sản và có thể tạo ra nguy cơ việc giải quyết phá sản bị kéo dài.

Bởi vì Điều 32 Luật Phá sản quy định, việc “chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho TAND có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND khác” được xử lý trong giai đoạn xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và trước thời điểm Tòa án thụ lý đơn. Trong khi Điều 6 Dự thảo lại quy định các trường hợp chuyển đơn sau khi Tòa án đã thụ lý đơn.

Điều này là chưa phù hợp với Luật Phá sản. Từ đó VCCI cho rằng, cần quy định rõ 2 trường hợp chuyển đơn yêu cầu cho Tòa án có thẩm quyền trước khi thụ lý và sau khi thụ lý. Đối với trường hợp sau khi thụ lý thì cần quy định rõ hơn về việc nếu chuyển lên Tòa án cấp tỉnh giải quyết thì thủ tục phá sản sẽ tiến hành như thế nào? bắt đầu lại từ đầu hay là kế thừa các hoạt động trước đó đã thực hiện của tòa án cấp huyện?

Điều 12 Dự thảo quy định về quy trình Tòa án xử lý trường hợp liên quan đến thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Theo đó ngay sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án thông báo cho doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo từ Tòa án, doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản đưa ra quyết định có hay không thương lượng với chủ nợ.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, quy trình trên là chưa thống nhất với Luật Phá sản và chưa hợp lý vì Luật Phá sản và Dự thảo đều không quy định khoảng thời gian mà hai bên thương lượng là bao lâu, điều này có thể dẫn tới hiện tượng một trong các bên cố tình kéo dài khoảng thời gian này dẫn tới việc giải quyết vụ việc phá sản trở nên kéo dài.

Nên quy định trên theo hướng trong vòng 1 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án phải đồng thời thông báo cho doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản và chủ nợ nộp đơn để họ thực hiện quyền đề nghị thương lượng việc rút đơn. Các bên phải trả lời là có thương lượng hay không trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án.

T.Dương