Góp ý vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng XII: Cần đẩy mạnh phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh

Nguyễn Thịnh 15/10/2015 22:54

Ngày 15-10, tại TP.Hồ Chí Minh, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý các Dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ông Trần Hoàng Thám - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) và ông Võ Văn Thiện - Trưởng Ban Công tác phía Nam (UBTƯ MTTQ Việt Nam) chủ trì Hội nghị. 

Quang cảnh hội nghị

Ông Đỗ Long, Ủy viên UBTƯ MTTQ VN cho rằng: “Hiện nay luật lệ của ta quá rườm ra làm ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nhân” và đặt vấn đề làm sao để người tài xuất hiện nhiều hơn. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng: “Cán bộ công chức hiện chưa đồng hành cùng doanh nghiệp, chưa thấy thắng lợi của doanh nghiệp cũng là thắng lợi của mình thì sẽ khó phát triển. Cần đẩy mạnh phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh vì đây là cách thoát nghèo nhanh nhất và phát triển bền vững nhất. Bởi chính họ là người tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Cần tạo nguồn lực, nguồn vốn ổn định cho doanh nghiệp làm ăn. Cần có chính sách để doanh nghiệp phấn khởi, an tâm làm ăn, đừng để doanh nghiệp tự bơi” - ông Minh nói.

Trong khi đó, ông Lê Hưng Quốc, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM nhìn nhận: “Chúng ta không nên quá bi quan hay quá lạc quan, không nên phản ứng cảm tính mà cần phải xốc tới, chủ động để nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp đừng trông chờ vào các chính sách nhà nước mà hãy tự cứu mình”. Ông Quốc nhận xét, Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần này đã đặt vấn đề về giá trị sống, giá trị văn hóa và con người, là cơ sở để kỳ vọng vào sự đóng góp nâng cao dân trí, nâng cao giá trị con người trong thời gian tới.

Theo PGS.TS. Trương Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo Đại học KHXH&NV TP.HCM, Dự thảo văn kiện lần này có nhiều nét mới như chấp nhận những ý kiến khác nhau, vai trò của dân trong giám sát hoạt động của nhà nước, bám sát thực tiễn hơn, có sự nhìn nhận tổng quát. Nhưng cũng có những hạn chế như tính dự báo chưa cao, tính định lượng còn yếu khi chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể, chưa có con số cụ thể nên thiếu thuyết phục. Dự thảo chưa đánh giá toàn diện về tôn giáo.

Ông Nguyễn Hữu Châu, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Văn hóa-Xã hội, UBTƯMTTQ VN thẳng thắn cho rằng, Dự thảo Văn kiện chưa xác định đúng tầm và vai trò của Mặt trận, có vài nơi còn bỏ sót chưa đề cập đến vai trò của Mặt trận trong công tác xây dựng các lĩnh vực trong đời sống của cộng đồng hiện nay. Do đó, theo ông Châu, cần tiếp tục nhấn mạnh việc nâng cao vai trò của Mặt trận nhiều hơn trong Nghị quyết của Đảng, đó là cơ sở để tiếp tục cụ thể hóa các chính sách, tạo điều kiện để đổi mới phương thức hoạt động, phát huy thực chất vai trò của Mặt trận trong tình hình mới như đã hiến định trong Hiến pháp năm 2013.

Theo ông Lê Quốc Hùng, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ), phần đánh giá và phương hướng trong Dự thảo văn kiện về kinh tế - xã hội khá đầy đủ. Tuy nhiên, ông Hùng cũng đặt vấn đề, cần tìm ra nguyên nhân thua kém của nước ta với các nước, các vấn nạn như tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo gia tăng… để có biện pháp xử lý cụ thể. “Giáo dục lạc hậu, đụng đâu cũng có vấn đề” - ông Hùng nhận xét.

Tại Hội nghị, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam kiến nghị cần tăng cường và nâng cao vai trò đối ngoại của nhân dân, nghiên cứu vai trò làm chủ của nhân dân trong môi trường mới, nâng cao vai trò của Mặt trận trong đoàn kết dân tộc, cần có Luật Tôn giáo cụ thể để phát huy vai trò tôn giáo trong xã hội.

Nguyễn Thịnh