Công ty Thuận Phong tiếp tục “mắc” sai phạm tại chi nhánh Đắk Lắk

Tuấn Việt 01/11/2015 14:39

Không chỉ lượng phân bón tại Đồng Nai “mắc” những sai phạm nghiêm trọng trong nhãn mác và sản xuất, mới đây, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra kho hàng của Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong (gọi tắt là công ty Thuận Phong) tại Đắk Lắk đã tiếp tục phát hiện những sai phạm. Công ty Thuận Phong đã ngang nhiên gắn lôgô “chứng nhận sự phù hợp” nhưng chưa được cơ quan chủ quản cấp phép.

Ngày 28-10 vừa qua, lực lượng QLTT tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra kho hàng chi nhánh của công ty Thuận Phong tại Đắk Lắk. Tại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng nghìn chai phân bón lá loại 1 lít có in dòng chữ “Made in USA”, (theo cách công ty Thuận Phong thực hiện tại Đồng Nai, đang bị các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ – PV). Ngoài ra, các chai phân bón này còn in lôgô chứng nhận sự phù hợp, do đơn vị Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert), thuộc Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) quản lý.

Ông Vũ Đại Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, lôgô chứng nhận sự phù hợp là chứng nhận quan trọng để xác định hệ thống chất lượng. Sản phẩm hàng hóa mang lô gô này, đồng nghĩa đã được chứng nhận về quy trình, tác nghiệp của công nhân, hệ thống quản lý quản lý… Tóm lại, tuy chưa khẳng định về chất lượng của sản phẩm hàng hóa, song lôgô chứng nhận sự phù hợp cũng là một “mác” quan trọng cho đơn vị sản xuất kinh doanh, nếu muốn thu hút niềm tin của khách hàng khi lựa chọn sản phẩm.

Song, theo Trung tâm chứng nhận phù hợp (Quacert), đến thời điểm kiểm tra tại chi nhánh công ty Thuận Phong, Trung tâm chưa bao giờ cấp giấy chứng nhận (để mang lôgô) cho công ty Thuận Phong. Cụ thể, ngày 30-10-2015, thực hiện chỉ đạo của Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, ông Trần Quốc Quân, Phó Giám đốc Trung tâm chứng nhận phù hợp (Quacert) đã ký văn bản số 11846/QUACERT/KT báo cáo về hoạt động cấp giấy chứng nhận Quacert. Theo đó “Sau khi xem xét các cơ sở dữ liệu chứng nhận, Quacert khẳng định chưa từng cấp giấy chứng nhận nào cho Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong hoặc Công ty Cổ phần sản xuất thương mại và dịch vụ Thuận Phong”. Vì sao công ty Thuận Phong có thể ngang nhiên gắn logo cho sản phẩm của mình? Và bao nhiêu chai sản phẩm kiểu này đã bán ra thị trường? Những câu hỏi cần sự trả lời sòng phẳng.

Liên quan đến chai phân bón lá loại 1 lít gắn mác “Made in USA” của ông ty Thuận Phong, thì theo hồ sơ hải quan nhập hàng của Công ty Thuận Phong do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cung cấp, công ty Thuận Phong chưa từng nhập khẩu mặt hàng nào là phân bón lá, cũng không nhập khẩu loại chai phân 1 lít, mà chỉ 3 lần nhập khẩu các stéc phân bón rễ dung tích mỗi stéc cả nghìn lít.

Vậy số lượng chai phân bón phát hiện tại công ty Thuận Phong ở cả Đồng Nai lẫn chi nhánh tại Đắk Lắk sẽ là như thế nào? Phải chăng là sự san triết, rồi gắn nhãn mác, để đánh lừa người tiêu dùng, như suy đoán của Cục Phó Vũ Đại Dương. Dư luận đang chờ đợi câu trả lời chính xác nhất từ các ngành chức năng.

Tiến sỹ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viên Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, nông dân phải bỏ ra khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với giá trị thực của loại phân bón mà phân bón không đạt chất lượng sẽ khiến lượng nông sản giảm về chất lượng và số lượng. Các loại cây công nghiệp dài ngày mắc bệnh, mà mua nhầm loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu giả để sử dụng thì tiền mất, cây chết. Ngày nào thị trường vật tư nông nghiệp còn chưa hết nạn phân bón giả, ngày đó nền nông nghiệp nước nhà sẽ còn chịu thiệt hại lớn.

Tuấn Việt