Loay hoay vì vốn

Thanh Giang 04/02/2016 09:37

Đóng góp công nghiệp của TP HCM khoảng 40% tăng trưởng chung của thành phố nhưng DN đang lo sợ, sắp tới đây hội nhập ngày càng sâu rộng thì tình hình cạnh tranh càng khốc liệt. Lúc này, hàng hóa tự do luân chuyển, phân phối trong “sân chơi” chung và “sân nhà” cũng trở thành “sân người”. Thương mại đang hướng đến mục tiêu không biên giới. Trường hợp DN không cạnh tranh nổi, không gia nhập được vào chuỗi giá trị toàn cầu DN sẽ bị loại bỏ khỏi cuộc chơi. Vấn đề hiện nay là làm sao có thể phát triển

Loay hoay vì vốn

Nguồn vốn luôn là mối lo hàng đầu của các doanh nghiệp.

Nhìn vào thực tế các chuyên gia kinh tế nhận định, DN trong nước không thể cạnh tranh nổi với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN các nước. Tỷ trọng nội địa hóa của DN FDI luôn cao hơn DN nội địa. Đơn cử, ngành ô tô cả nước có 385 DN với 50 nhà sản xuất và lắp ráp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, công nghiệp ô tô Việt Nam chủ yếu chịu chi phối của 19 nhà sản xuất. Công nghiệp ô tô kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa chỉ khoảng 10% đối với xe du lịch, dưới 30% cho xe tải, dưới 40% cho xe khách. Tỷ lệ nội địa hóa này kém xa Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia….

Tương tự, Việt Nam nổi tiếng là 1 trong 5 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới song ngành dệt may phải phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Điển hình như ngành dệt may của TP HCM năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,44 tỷ USD thì kim ngạch nhập khẩu của ngành này đã lên đến 3,17 USD. Ông Nguyễn Trọng Hoài, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP HCM, chủ trì đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ TP HCM cho hay, cái khó nhất của sản xuất trong nước là phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu các nước. Ví dụ, ngành cao su nhựa nhập khẩu khoảng 38%, dệt may 55%, công nghệ thông tin 50%.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên chính là hàng loạt điểm yếu cố hữu mà DN Việt đang bộc lộ như: hoạt động manh mún; nhân lực yếu; quản trị không chuyên nghiệp… Đặc biệt, đến hơn 1/2 DN của 6 ngành trọng điểm (công nghiệp ô tô, điện tử công nghệ cao, cao su nhựa, chế biến tinh lương thực thực phẩm, dệt may và cụm ngành công nghiệp da giày) gặp khó khăn về vốn. Lý do, DN vừa và nhỏ chiếm trên 80% nhưng cơ chế bảo lãnh tín dụng vẫn dựa trên tài sản đảm bảo. Đây là điểm khó của DN khi muốn bật dậy để đầu tư sản xuất.

Đề cập đến nguồn vốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, giới chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên phân cấp cho TP HCM trong việc tiếp nhận và xét duyệt các ưu đãi cho DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Lãi suất cho dự án công nghiệp hỗ trợ cần ở mức ổn định từ 1 – 3%/năm. Ngoài giải pháp về vốn, nhiều ý kiến cho rằng phải thành lập 6 cụm công nghiệp hỗ trợ cho 6 ngành trọng điểm để tăng tính liên kết, tạo thuận lợi cùng nhau phát triển.

Thanh Giang