Bắc Kạn: Khó xóa bỏ lò gạch thủ công

Vi Quốc Trần 28/03/2016 09:30

Theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn, trong tỉnh có 66 cơ sở sản xuất thủ công gạch đất sét nung.  Nhận thức rõ môi trường gây hại cho trồng trọt, chăn nuôi; mất đất sản xuất nông nghiệp; gây bệnh về hô hấp cho cư dân sinh sống kề cận nguy cơ ô nhiễm, ngày 25/5/2012, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định 817, cấm triệt để mọi hoạt động của các lò gạch thủ công trên khu vực đất nông nghiệp và khu đông dân cư.

Tuy nhiên, đến ngày 1/1/2015, ­việc giảm bớt những lò gạch thủ công ở khu vực đông dân cư và đất nông nghiệp theo lộ trình, chỉ đạt 6/31 lò (đạt 19,36%). Một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn cho biết: Hiện nay các công trình Nhà nước được xây dựng có nguồn vốn ngân sách trên địa bản tỉnh, sử dụng vật liệu không nung rất thấp. Ví như huyện Na Rì: 12/27 công trình (đạt 44%); huyện Chợ Đồn: 2/20 công trình (đạt 10%): các huyện Ngân Sơn, Pắc Nậm vẫn “sài” 100% gạch nung thủ công để xây dựng công trình.

Đối với các chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công trong tỉnh, hầu hết đã nắm được chủ trương và lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, trong đó có một số chủ cơ sở đã xin phép được chuyển sang sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ cao.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí đầu tư lớn, hơn nữa nguồn nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại chỗ không có, phải mua từ xa, sẽ đội chi phí lên nhiều lần, các chủ cơ sở sản xuất vật liệu khó có thể gánh nổi nên tạm hoãn chuyển đổi công nghệ.

Cũng theo vị lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn, hiện nay có hàng nghìn người lao động (thống kê chưa đầy đủ) tại các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nếu phải dừng hoạt động để chuyển đổi sang sản xuất theo công nghệ cao, sẽ lâm vào cảnh khó khăn. Thậm chí tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng(?).

Ví như 3 lò gạch thủ công thuộc HTX Tuân Bắc (TP. Bắc Kạn), do ông Tạ Văn Tuân chủ sở hữu đang hoạt động tại thôn Phiêng My, phường Huyền Tụng, có hơn 30 lao động, mỗi người được trả tiền công từ 160.000đ – 180.000đ/ngày. Trong tháng, bình quân làm việc liên tục 20 ngày, mỗi người đã có thu nhập 3.200.000– 3.600.000 đồng. Số tiền này thực sự giúp cuộc sống người lao động ở một địa phương bớt phần nào khó khăn…

Từ thực tế trên cho thấy việc xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh thời điểm này là vô cùng khó khăn.

Vi Quốc Trần