Ám ảnh lạm quyền

Chu Ninh 20/04/2016 23:47

Dư luận cả nước những ngày qua đang xôn xao trước một “kỳ án” tại TP Hồ Chí Minh. Đó là việc một người dân bán phở bị khởi tố, truy tố vì lỗi chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày và thiếu “giấy phép con”. Vụ việc này vẫn đang trong tiến trình tố tụng chưa hồi kết, nhưng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận và dư luận, cần sự kiểm tra, giám sát, làm rõ của cơ quan hữu trách.

Ông Tấn trước quán phở đã ngừng bán sau khi bị khởi tố vì chậm xin phép.

Nhắc lại, ông Nguyễn Văn Tấn (cư ngụ quận Bình Tân) là một người thuê mặt bằng để mở quán bán phở, cà phê, ăn sáng, cơm trưa văn phòng gần căntin trụ sở Công an huyện Bình Chánh, TP HCM. Chỉ sau vài ngày khai trương, ông Tấn bị cán bộ Công an huyện Bình Chánh lập biên bản vi phạm “kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau khi xin bổ sung thủ tục, ông được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thế nhưng, ông vẫn bị Trưởng Công an huyện Bình Chánh ra quyết định xử phạt 17 triệu đồng với nhiều lỗi vi phạm mà người bị phạt ngạc nhiên cho biết không hề có trong biên bản (là cơ sở để ban hành quyết định xử phạt).

Theo ông Tấn, trong khi ông đang phải ngưng kinh doanh bán đồ ăn uống để nộp phạt, bổ sung thủ tục hành chính theo quy định, nghĩa là không hề có việc “tái phạm”, thì lại bị Công an huyện Bình Chánh tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với các lỗi “trên trời rơi xuống” như: hành vi “sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại” và “sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm”.

Tiếp đó, Công an huyện Bình Chánh tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Tấn. Kế đến, bị can còn bị Viện KSND huyện Bình Chánh đề nghị truy tố, Tòa án Nhân dân cùng cấp đã lên lịch xét xử.

Diễn biến vụ việc đối chiếu với các căn cứ theo quy định của pháp luật, khiến dư luận và công luận băn khoăn lo ngại về nguy cơ “hình sự hóa” các hành vi vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Tấn. Sau cánh cửa mưu sinh bị đóng chặt lại, ông Nguyễn Văn Tấn còn phải đối mặt với một bản án hình sự treo lơ lửng trên đầu. Câu chuyện người bán phở bị khởi tố, truy tố làm râm ran dư luận.

Lâu nay, xã hội ta đã không mấy xa lạ trước việc cấp có thẩm quyền trong hệ thống các cơ quan tố tụng kháng nghị nhiều vụ án hình sự. Không ít vụ án hình sự được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, xác định không có việc phạm tội.

Hiện tượng “hình sự hóa” các quan hệ dân sự, hành chính không có dấu hiệu tội phạm là sự sai lầm trong việc áp dụng pháp luật hình sự, dẫn đến oan sai người vô tội. Sự sai lầm ấy thể hiện ở việc áp dụng pháp luật hình sự đối với hành vi chưa đủ cấu thành tội phạm.

Những hành vi vi phạm đáng ra chỉ ở mức cần chế tài bằng các biện pháp xử lý hành chính, nhưng vẫn bị cán bộ nhân danh cơ quan pháp luật chuyển hóa thành các hành vi phạm tội. Vậy nhưng, việc công dân tham gia mối quan hệ xã hội kiểu như người bán phở, bán cà phê bị xử lý hình sự như ở huyện Bình Chánh là vụ việc hiếm có.

Những bất ổn trong cách xử lý chưa “thấu tình, đạt lý”, chưa thuyết phục đối với chính người bị khởi tố hình sự, gây ngạc nhiên đối với nhiều người dân. Các biện pháp xử phạt, xử lý tiền tố tụng và biện pháp tố tụng hình sự được áp dụng cấp tập đối với người bán hàng ăn uống trước cổng căntin cơ quan công an quận Bình Chánh, đã khiến nhiều người lo lắng về ý thức tuân thủ tôn chỉ “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” của các cơ quan bảo vệ pháp luật tại địa phương. Liệu đây có phải là dẫn chứng cụ thể về hiện tượng lạm dụng các quy định pháp luật hình sự để giải quyết các quan hệ hành chính?

Việc “hình sự hóa” các vụ việc dân sự, hoặc “dân sự hóa” các vụ án hình sự, đều là hiện tượng tiêu cực gây oan sai cho người vô tội; hoặc bỏ lọt tội phạm. Các hiện tượng này xảy ra làm xói mòn niềm tin vào sự liêm chính của các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như sự công bằng của pháp luật.

Quyền lực nhà nước là của nhân dân nhưng việc thực thi quyền lực ấy phải thông qua những con người cụ thể. Mỗi con người, cụ thể là mỗi cán bộ thực thi công vụ dù có những phẩm chất khác nhau vẫn ẩn chứa nguy cơ mắc sai lầm trong áp dụng pháp luật. Người tử tế mong muốn sử dụng quyền lực đúng mục đích, bảo vệ lợi ích chính đáng cho cộng đồng.

Nhưng nếu quyền lực rơi vào tay những người không đủ phẩm chất, sẽ dễ dẫn đến sự tha hóa quyền lực, biến quyền lực công đáng ra phải vì kỷ cương phép nước lại trở thành công cụ phục vụ cho động cơ cá nhân, lợi ích riêng tư cục bộ, trở nên thiếu lương thiện.

Xã hội luôn lo ngại những nguy cơ như vậy, và cần có sự ngăn chặn tối đa bằng cơ chế minh bạch trong hoạt động thực thi pháp luật, cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu. Quyền lực có thể đem lại sự công bằng, niềm hạnh phúc cho công dân, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội nhưng cũng có thể tước đoạt những giá trị nhân văn một khi quyền lực bị lạm dụng.

Bởi vậy, chống hiện tượng lạm quyền, phòng ngừa sự tha hóa quyền lực công đang là vấn đề thời sự nóng bỏng, để bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật.

Chu Ninh