Biên cương xanh

Nam Việt 09/05/2016 09:05

Nhân dịp kỉ niệm 62 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2016), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1. Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên, Chủ tịch nước lưu ý Đảng bộ, chính quyền tỉnh phải chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm. Cũng trong t

Bộ đội Biên phòng và dân quân tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới.
(Nguồn: Cổng TTĐT Lai Châu).

Nước ta có chung đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đường biên giới đất liền với Trung Quốc 1.281 km, Lào 2.130 km và Campuchia 1.228 km. Phên dậu có vững thì nhà mới an. Vì thế, công tác biên giới luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng, không chỉ ở mặt giữ gìn mà còn là sự đầu tư phát triển, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, biên giới có bình an phải dựa vào thái độ của các bên liên quan: hợp tác hay bất hợp tác.

Trên tinh thần láng giềng hòa hiếu, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng biên giới 3 nước để quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc; đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại; phối hợp phòng chống cháy rừng, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ môi trường, cứu hộ, cứu nạn; tổ chức kết nghĩa giữa các đồn biên phòng của Việt Nam với các đồn, trạm của lực lượng bảo vệ biên giới 3 nước, theo chủ đề kết nghĩa “Đồn, trạm hữu nghị, cửa khẩu hài hòa, biên giới bình yên”.

Đến nay đã có 123 cặp đồn trạm tổ chức kết nghĩa, trong đó tuyến Việt Nam - Trung Quốc 59 cặp, tuyến Việt Nam - Lào 50 cặp và tuyến Việt Nam - Campuchia 14 cặp. Chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa 142 cụm dân cư hai bên biên giới, trong đó tuyến Việt Nam - Trung Quốc 23 cặp, tuyến Việt Nam - Lào 84 cặp, tuyến Việt Nam - Campuchia 35 cặp. Điều đó cho thấy nỗ lực rất lớn và chủ trương láng giềng hòa hiếu của đất nước.

Xây dựng biên cương xanh là mục tiêu không thay đổi, cho dù chúng ta từng phải tiến hành những cuộc chiến bắt buộc khi đất nước bị xâm lăng; tổ chức phản kích tự vệ để giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đập tan ý đồ xâm lấn từ bên ngoài. Nhưng, với những điều kiện cụ thể trên thực tế việc xây dựng, phát triển đời sống kinh tế-xã hội vùng biên giới là rất khó khăn.

Địa hình hiểm trở, người dân còn nghèo lại phân tán, nguồn lực tại chỗ ít… Chính vì thế việc xây đắp biên cương cần đến sự nỗ lực không mệt mỏi, từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác. Cùng với chủ trương hòa hiếu thì việc phát triển kinh tế- xã hội vùng biên phải được coi là cơ sở cho sự ổn định.

Lưu ý của Chủ tịch nước với Điện Biên cũng chính là chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đối với các tỉnh biên giới. Chủ tịch nước nhắc nhở, cần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng các ngành và lĩnh vực kinh tế, trong đó trọng tâm là phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, huy động đầu tư từ nhiều nguồn lực; phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc; phát triển toàn diện nông nghiệp đi đôi với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Với vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh.

Điện Biên cũng như các tỉnh biên giới cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại trong bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, sát dân.

Biên giới vững chắc chính là biên giới lòng dân. Không thể để người dân đói khổ, tỉ lệ hộ nghèo cao, thiếu trường học, thiếu bệnh viện, lại càng không thể không có đường giao thông, điện thắp sáng. So với những vùng phát triển khác, các tỉnh miền núi có đường biên giới còn nhiều khó khăn.

Đất canh tác ít, dân trí chưa cao, đường xá không thuận tiện. Đặc biệt các doanh nghiệp đầu tư vào đây cũng rất ít, chính vì thế tốc độ phát triển hạn chế. Khắc phục điều này cũng chính là thực hiện chủ trương an sinh xã hội, cơ sở cho việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Không thể để tệ nạn xã hội như ma túy, buôn người, trộm cướp từ bên kia biên giới tràn sang, mà phải xây dựng khu vực này thành địa chỉ bình yên. Biên cương xanh cũng chính là nằm trong ý nghĩa đó.

Tập trung lực phát triển kinh tế - xã hội vùng biên được đặt ra như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Việc xóa đói giảm nghèo ở khu vực này những năm qua đã đạt được không ít thành tựu, nhưng vẫn cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Không thể để tái diễn việc tái nghèo trong những hộ đã thoát nghèo.

Và cũng không thể để xuất hiện thêm các hộ nghèo. An sinh xã hội là thế và điều đó cũng là minh chứng cao nhất thể hiện bản chất của xã hội ta, vì dân mà hành động. Xóa nghèo bền vững cho khu vực này là yêu cầu bức thiết, để không có việc bà con phải tìm đường sang bên kia biên giới vác hàng cho buôn lậu, không có chuyện phải làm ăn phi pháp một cách bất đắc dĩ như một phương kế mưu sinh.

Cuộc sống no ấm, làng bản yên bình, biên cương vững chắc. Để cho lũ trẻ tung tăng đến trường trong những buổi sáng sương mù lãng đãng; Để cho chiều chiều những làn khói lam thong thả trên những mái nhà. Hết mình vì vùng khó, vùng biên giới, một dải biên cương xanh sẽ thực sự yên bình.

Nam Việt