Tân thủ lĩnh Taliban là ai?

Linh Chi 26/05/2016 20:35

Trong khi nhiều người còn tò mò về người được chỉ định làm tân thủ lĩnh của phiến quân Taliban, thì ông ta đã bắt đầu đưa ra tuyên bố hiếu chiến, nói rằng sẽ không có các cuộc đàm phán hòa bình nào với chính phủ Afghanistan, các hãng tin phương Tây hôm 26/5 cho hay.

Taliban chỉ định tân thủ lĩnh mới sau khi thủ lĩnh Mansour bị tiêu diệt (Nguồn: AFP).

Nguồn tin cho hay Mawlawi Haibatullah Akhundzada, người mới được chỉ định làm thủ lĩnh mới của nhóm khủng bố Taliban sau khi thủ lĩnh cũ Mullah Akhtar Mohaamed Mansour bị tiêu diệt trong một đợt không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ, sẽ theo đuổi các chính sách mà trước đây người sáng lập tổ chức Mullah Omar - bị tiêu diệt ở Pakistan năm 2013 - từng áp dụng.

Theo nhiều hãng tin quốc tế, việc bổ nhiệm Akhundzada làm thủ lĩnh mới của phiến quân Taliban “sẽ mang trở lại một thời kỳ đen tối của Mullah Mohammad Omar”, ám chỉ tên thủ lĩnh một mắt khét tiếng, từng dẫn dắt Taliban kể từ năm 1994, mà trong đó những phiến quân này chỉ có một phương châm sống đơn giản là trung thành tuyệt đối và reo rắc nỗi kinh hoàng đối với kẻ thù.

Taliban đã tạo nên một chiến trường ác liệt và dường như thu được một số thắng lợi trước lực lượng chính phủ Afghanistan trong những tháng gần đây, đẩy lùi quân đội nước này khỏi các vị trí quan trọng và tổ chức hàng loạt các vụ đánh bom tại thủ đô Kabul. Hôm 25/5, sau khi việc chỉ định tân thủ lĩnh Taliban được tuyên bố, tổ chức này còn nhận trách nhiệm một vụ đánh bom tự sát ở thủ đô Afghanistan khiến 10 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương.

Tuy nhiên, theo ông Sayed Mohammad Akbar Agha, một thành viên sáng lập Taliban, người hiện sống ở Kabul, nói rằng ông biết rõ về thủ lĩnh mới. Theo ông Agha, thủ lĩnh mới của Taliban là một người có học thức và được tôn trọng trong tổ chức, có kiến thức về pháp luật và tôn giáo hơn là kinh nghiệm chiến trường và quan trọng nhất là đàm phán hòa bình với người này có thể dễ hơn là với thủ lĩnh cũ Mansour.

Thủ lĩnh mới của tổ chức phiến quân Taliban là một người thuộc bộ lạc Noorzai và đang ở độ tuổi 50 - chứ không phải 47 tuổi như Taliban tuyên bố - và đến từ vùng đất được coi là trái tim của Taliban, quận Panjwai thuộc miền Nam tỉnh Kandahar.

Mawlawi Haibatullah Akhundzada được biết tới là một giáo sĩ có vai trò quan trọng trong hàng ngũ Taliban, nhưng lại là nhân vật thiếu kinh nghiệm về quân sự. Nhân vật này được biết tới là người đã đưa ra những tư vấn về pháp lý cho Mullah Omar - người sáng lập ra phong trào Taliban.

Ông ta trở thành cấp phó của thủ lĩnh Mullah Mansour sau khi đảm nhiệm vị trí của thủ lĩnh một mắt khét tiếng Mullah Omar và kể từ đó vận hành các công việc hàng ngày của tổ chức, đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán một lệnh ngừng bắn với một nhóm Taliban ly khai hồi đầu năm nay.

Cựu giáo sỹ này được hàng ngũ Taliban coi trọng với tư cách người đoàn kết tổ chức và việc chỉ định ông ta cho thấy tổ chức phiến quân này đang hy vọng sẽ tránh được một cuộc đấu đá nội bộ.

Việc lực lượng này chỉ định Mawlawi Haibatullah Akhundzada làm thủ lĩnh diễn ra trong một cuộc họp bí mật hôm 24-5 và đây là một quyết định không nhận được sự đồng tình của một số thành viên Taliban. Tuy nhiên, những thành viên này đều cam kết trung thành với thủ lĩnh mới để có thể cùng nhau tiến hành cái gọi là “trả đũa nước Mỹ”.

Ngoài ra, Mullah Mohammad Yaqoob - con trai của Mullah Omar, người sáng lập Taliban cũng được bầu là phó thủ lĩnh. Trước đó, ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Obama đã xác nhận tin thủ lĩnh Taliban Akhtar Mansour bị tiêu diệt trong các cuộc không kích trên lãnh thổ Pakistan.

Bộ Ngoại giao Pakistan đã đưa ra một tuyên bố xác nhận về cái chết của Mansour và nhắc lại quan điểm của họ rằng vụ không kích tiêu diệt thủ lĩnh của Taliban là hành động vi phạm chủ quyền của họ, “vi phạm các nguyên tắc Hiến chương LHQ”. Bộ Ngoại giao Pakistan cũng đã thể hiện rõ mối quan ngại của mình tới phía Mỹ.

Pakistan còn cho hay, họ tin rằng cái chết của thủ lĩnh Taliban Mansour chỉ khiến tiến trình hòa bình vốn đã dễ đổ vỡ càng trở nên nguy hiểm hơn, và sẽ khiến cho Afghanistan thêm phần bất ổn.

“Theo quan điểm của chúng tôi, không có bất kỳ giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột ở Afghanistan. Việc sử dụng vũ lực trong suốt 15 năm qua đã không thể mang lại hòa bình” - Bộ Ngoại giao Pakistan nêu quan điểm.

Linh Chi