Bức bối 'chiếc áo chật'

Thanh Giang 15/06/2016 13:30

Lâu nay, TP Hồ Chí Minh luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách nhà nước cũng như tăng trưởng GDP hàng năm cao. Tới nay, đầu tàu tăng trưởng cần có những cơ chế đặc biệt, đặc thù để thêm cơ sở phát triển mạnh mẽ hơn. Khát vọng của thành phố tìm lại vị trí “hòn ngọc Viễn Đông” thuở nào thật đáng trân trọng, nhưng nếu nó không có được cơ chế đặc thù thì sự vươn mình là hết sức khó khăn. Nói như nhiều người rằng, thành phố đã “lớn”, “chiếc áo” đã chật, cần phải có

Bức bối 'chiếc áo chật'

Ảnh minh họa.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì TP. Hồ Chí Minh muốn bứt phá để phát triển nhưng chịu chết vì thiếu quá nhiều cơ chế đặc thù. Bàn về nguyên nhân kéo giảm sự phát triển của thành phố, TS Huỳnh Thế Du (Chương trình đạo tạo Fulbright) cho rằng, TP HCM có 3 trục trặc chính chưa giải quyết được.

Thứ nhất, ngân sách được giữ lại quá ít. Tức là thiếu nguồn lực tài chính để phát triển. Thứ hai, đội ngũ công chức thiếu động cơ và công cụ hữu hiệu. Làm nhiều không được hưởng, làm sai thì phải trách nhiệm cao. Thứ ba, thành phố chưa có chiến lược hay tầm nhìn phát triển dài hạn một cách rõ ràng do eo hẹp về nguồn lực, thiếu động cơ và quan hệ giằng co giữa Trung ương - địa phương.

Nhìn chung, TP HCM là đầu tàu phát triển kinh tế với trọng trách lớn nhưng quyền chủ động không rõ, không đủ mạnh, trong nhiều trường hợp vẫn phụ thuộc vào cơ chế xin - cho.

Ví dụ về vấn đề ngân sách. Ngày 7/6, Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội làm việc với lãnh đạo TP HCM về tình hình thu chi ngân sách. Tại buổi làm việc, thành phố đã kiến nghị Trung ương xem xét thưởng cho thành phố khoảng 10 ngàn tỷ đồng từ nỗ lực vượt thu ngân sách.

Lý giải điều này, lãnh đạo Sở Tài chính thành phố khẳng định, đối với thưởng vượt thu, ngân sách thành phố được hưởng 30% của số tăng thu từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố. Cùng đó, thành phố có nhiều khoản phải chi và “cục nợ” của thành phố cũng không nhỏ, cho nên thành phố muốn có một khoản “lận lưng” để chủ động chi tiêu.

Hơn nữa, để có tỷ lệ thu vượt cao đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố. Để tạo cơ chế đặc thù về phân cấp nguồn thu phù hợp với quy mô đô thị lớn thành phố kiến nghị cấp lại cho thành phố 1 phần số thu từ khoản thuế hoạt động xuất nhập khẩu. Dự kiến khoảng 8-12% trong tổng số thu và thực hiện trong 10 năm. Ghi nhận ý kiến nhưng Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng không thể quyết được.

Trước đó, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm đã đề xuất cơ chế tài chính đặc thù về tài chính cho thành phố. Bộ Tài chính cũng nhất trí với kiến nghị từ cơ chế xin - cho, bao cấp ngân sách chuyển qua xin thưởng và khoán thu - chi. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng không quyết định vì không thuộc thẩm quyền. Chính phủ, Bộ Tài chính cùng ghi nhận đóng góp của thành phố và hứa sẽ đưa lên cấp có thẩm quyền cao hơn.

Như vậy, việc xin chuyển cơ chế ngân sách của thành phố vẫn chưa rõ. Song lãnh đạo thành phố khẳng định tiếp tục xin cơ chế đặc thù cho đô thị lớn. “Thành phố vẫn tiếp tục xin cơ chế đặc thù đầy đủ chứ không chỉ là ngân sách, mục đích để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời mong muốn thay đổi “chiếc áo chật” để phát triển toàn diện hơn”- Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng nói. Theo ông, hướng đến tự chủ tài chính ngân sách; tự chủ về thủ tục hành chính, tự chủ quy tắc đô thị, tự chủ về tổ chức bộ máy là điều nên làm.

Điều đó, suy cho cùng cũng là phù hợp với một đô thị tới hơn 10 triệu dân, đầu tầu kinh tế của cả nước. Khi có “chiếc áo mới” rộng dài hơn, chắc chắn TP HCM sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, với khát vọng trở lại hào quang thuở nào.

Thanh Giang