Pokémon Go và bệnh lý tâm thần

Lê Vân 21/08/2016 09:05

Kể từ khi chính thức du nhập vào Việt Nam (ngày 6/8) , trò chơi Pokemon Go đã tạo nên cơn sốt, đặc biệt trong giới trẻ. Không thể phủ nhận một số mặt tích cực, song trò chơi này cũng đem lại không ít rủi ro cho người chơi. Đáng lo ngại nhất là khía cạnh sức khỏe.

Pokémon Go và bệnh lý tâm thần

1. Những ngày gần đây, dễ dàng bắt gặp cảnh các chàng trai, cô gái vật vờ săn cho bằng được Pokémon. Pokémon GO là trò chơi thực tế ảo đòi hỏi người chơi phải cầm smartphone di chuyển theo bản đồ định vị để bắt được những con thú ảo trong thế giới thực. Chỉ sau một thời gian ngắn phát hành, trò chơi này đã thu hút hàng chục triệu người tham gia. Ban đầu, mục đích tốt đẹp của các nhà sản xuất Pokemon GO là muốn kéo những đứa trẻ thụ động ra khỏi nhà, khuyến khích chúng vận động nhiều hơn, nên được các chuyên gia tâm lý đánh giá cao. Tuy nhiên, do một số người chơi không biết tiết chế đã biến rủi ro trong thế giới ảo thành những tai họa của đời sống thường nhật. Mới đây, các bác sĩ Mỹ đã phát đi cảnh báo rằng Pokémon GO có thể gây nghiện và tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần.

Theo đó, một người được xem là nghiện game khi chơi trò này ngay tại nơi làm việc và nơi công cộng thay vì giao tiếp xã hội, chơi cho đến khi ngủ và ngay sau khi thức dậy. Tác hại của việc nghiện game được so sánh tương tự nghiện ma túy và các nhà khoa học đang xem xét đưa vào một trong những loại bệnh lý về tâm thần. Thực tế việc nghiện các trò chơi điện tử trong thời gian dài dẫn đến nhiều tác hại cả về sức khỏe lẫn tinh thần, gây rối loạn tâm sinh lý, rối loạn hành vi do bắt chước các nhân vật ảo.

Tại Việt Nam, dù trò chơi này mới chỉ du nhập vào trong thời gian ngắn nhưng đã tạo ra một cơn sốt mạnh mẽ, thu hút hàng ngàn người tham gia. Mặc dù thời điểm này ngành y tế chưa ghi nhận trường hợp nào bị bệnh do chơi Pokémon GO nhưng theo các chuyên gia tâm thần học thì đây cũng là trò chơi online nên nếu không được kiểm soát cũng có thể gây nghiện như bất cứ trò chơi điện tử nào.

TS Nguyễn Văn Dũng- Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Khi chơi game có 4 mức độ: Chơi một chút, chơi từng đợt, lạm dụng và cuối cùng là nghiện. Khi nghiện sẽ làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày, giảm thích thú. Nếu chơi quá 7 tiếng/ngày sẽ gây ra rối loạn tâm thần.

2. Về mức độ ham mê quá đà trò chơi này của một số người, bác sĩ La Đức Cương- Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1 cảnh báo: Nghiện Pokémon Go là một bệnh lý tâm thần. Nhiều người nghiện game rồi trầm cảm, có hành vi tự sát.

Theo BS Cương, hiện nay, BV Tâm thần Trung ương 1 có rất nhiều người tới viện khám và điều trị tâm thần do nghiện game, nghiện Internet… Đặc biệt, người nào càng chơi game giỏi thì nguy cơ trầm cảm càng cao. Bởi họ có tâm trạng chán ngán, không còn gì để chinh phục, không có động lực phấn đấu, không tìm được niềm vui trong cuộc sống. BS Cương cho biết ông đã từng gặp nhiều trường hợp nghiện game nặng vào viện không đi lại được, phải có người dìu như trường hợp một nam sinh viên khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách Khoa Hà Nội.

“Cậu thanh niên này không chịu ăn uống khiến cơ thể suy kiệt nghiêm trọng, chỉ nằm một chỗ, không đi lại được nhưng vẫn có thể ngồi dậy để chơi game. Gia đình làm mọi cách cũng không thể kéo con ra khỏi màn hình”- BS Cương chia sẻ. Cũng theo Giám đốc BV tâm thần Trung ương, với những người nghiện game nói chung và nghiện trò chơi Pokémon GO khi vì một lý do gì đó mà không được chơi sẽ dễ rơi vào tình trạng bồn chồn, bứt rứt.

Bác sĩ Cương phân tích: Thông thường, những người nghiện game, Internet thường thiếu khả năng kiểm soát về hành vi. Từ đây có thể dẫn đến nhiều hành vi khác, trong đó có cả việc tự tử, giết người. Người chơi game quá độ và lâu dài cũng có thể bị chính những trò chơi đó ám ảnh không phân biệt được đâu là thật, đâu là game, điều này thể hiện qua việc đưa game ra cuộc sống thật, coi mọi hành động ở cuộc sống thật như trong game.

Theo ThS Lê Thị Thu Hà- Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Pokémon GO cùng với nhiều trò chơi trực tuyến khác (hay còn gọi là chơi game) là những trò chơi sử dụng hình ảnh nên rất dễ gây nghiện. Pokémon GO là một ví dụ mới nhất cho điều này.

Nhiều nghiên cứu cho thấy chơi game thường xuyên khiến bạn phải tiếp xúc trực tiếp với màn hình điện tử có phản quang sắc xanh liên tục trong nhiều giờ. Đây là nguyên nhân khiến cơ thể hạn chế tiết ra chất melatonin, một hormone quan trọng có tác dụng điều hòa chu kỳ sinh học và giấc ngủ. Luôn nhìn vào màn hình điện thoại có thể ảnh hưởng không tốt tới đôi mắt và hủy hoại thị lực. Nhức đầu, khô mắt, mờ mắt hoặc chứng song thị (nhìn thấy 2 hình ảnh của 1 sự vật) có thể xảy ra. Thường xuyên chơi game khiến bạn không có giấc ngủ ổn định, ngủ không sâu và dễ bị gián đoạn. Càng mê chơi game càng khiến bạn hưng phấn, làm giảm thời gian dành cho việc ngủ, ngủ không đủ giấc dẫn đến mệt mỏi, mất sức, từ đó làm giảm hiệu quả học tập, lao động, dễ bị suy nhược, không tập trung. Tình trạng này kéo dài sẽ làm suy giảm tế bào thần kinh, giảm trí nhớ, tổn thương não bộ.

Theo ThS Hà, khi nghiện chơi bất cứ thứ gì cũng gây hại sức khỏe và ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Người trẻ tuổi vì quá phụ thuộc vào các trò chơi trên thế giới ảo mà có bạn đã rơi vào trạng thái trầm cảm. Việc điều trị chỉ giúp bệnh nhân cắt cơn nghiện, còn việc phục hồi về nhân cách mất rất nhiều thời gian. ThS Hà cảnh báo, càng cấm con trẻ sẽ càng tìm mọi cách để chơi, kể cả chơi lén lút, cha mẹ càng khó kiểm soát. Vì thế, thay vì cấm, cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu rõ, chỉ cho con đường đi hơn là chặn đường các con.

3. Trước sự hấp dẫn dữ dội và những tác hại khôn lường mà trò chơi Pokémon Go có thể mang lại, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã đưa ra 5 khuyến nghị đối với người chơi Pokémon GO nhằm giảm thiểu những tai nạn, rủi ro có thể xảy ra, tránh gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an ninh quốc gia.

Ngoài ra, ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết, Bộ sẽ có văn bản trong thời gian sớm nhất, yêu cầu nhà sản xuất và nhà phát hành (Apple, Google) tuân thủ pháp luật Việt Nam, không gây tác hại với xã hội. Trong trường hợp nhà sản xuất Pokémon GO không hợp tác, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu nhà phát hành gỡ bỏ game hoặc đưa ra các giải pháp khác để bảo vệ người chơi.

Lê Vân