Lãi suất cho vay hạ nhiệt

Minh Phương 19/10/2016 13:00

Một loạt ngân hàng thương mại đã bắt đầu rục rịch hạ lãi suất cho vay, có nơi giảm khá sâu, 1 -1,5%. Đây là điều mong đợi từ rất lâu của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, bởi, một thời gian dài, lãi suất cho vay ở mức cao ngất ngưởng bóp nghẹt cơ hội phát triển của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Lãi suất cho vay hạ nhiệt là tin vui với cộng đồng doanh nghiệp

Theo định hướng của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều ngân hàng thương mại đã rục rịch hạ lãi suất cho vay.

Theo đó, ngày 15/10 vừa qua, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chính thức công bố cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên và các DN khởi nghiệp.

Tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được ngân hàng này điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Mức điều chỉnh này giảm 1%/năm so với hiện nay.

Theo Vietcombank, các khoản cho vay ngắn hạn mới được áp dụng lãi suất tối đa là 6%/năm.

Đặc biệt, các DN sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của Vietcombank còn được ngân hàng này xem xét điều chỉnh giảm sâu hơn.

Trước đó, từ ngày 10/10, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đã giảm lãi suất cho vay, tối đa từ 11,5%/năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5%/năm, giảm 1%/năm.

Ngân hàng này cũng mở gói tín dụng ưu đãi hạn mức 18.000 tỷ đồng lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm; lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Đây thực sự là tin vui cho cộng đồng DN, khi mà suốt một thời gian dài, chỉ nghĩ đến việc trả nợ lãi suất ngân hàng thôi, nhiều DN cũng đã “phát ốm”.

Thời gian qua, các DN nhỏ và vừa đã chịu nhiều áp lực do phải tiếp cận nguồn vốn lãi suất cao.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chính việc phải chịu mức lãi suất vay ngân hàng quá cao (8-10%, mức này cao gấp 2,3 lần so với các nước cùng cạnh tranh– PV), đã làm tăng chi phí sử dụng vốn của DN, trực tiếp đội giá thành sản phẩm hàng hóa của các DN lên cao, như vậy, làm sao DN có thể nâng sức cạnh tranh được.

“Điều này khiến cho không chỉ các DN trong nước khó khăn mà các DN xuất nhập khẩu cũng lao đao không kém. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho hàng loạt DN buộc phải tạm ngừng hoạt động và phá sản trong thời gian qua” – ông Dương nhấn mạnh.

Nhiều DN nhỏ và vừa cũng cho hay, lãi suất cao khiến họ không dám mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, vì chỉ nghĩ đến khoản tiền để trả nợ hàng tháng cũng đã khiến các DN nản lòng, nói gì đến mở rộng quy mô.

Ông Nguyễn Văn Phúc, chủ một DN tư nhân chuyên sản xuất và kinh doanh đồ nhựa gia dụng nhớ lại, thời điểm lãi suất vay cao ngất ngưởng, lên đến gần 20%/năm, DN của ông đã phải cắt giảm nhiều chi phí, cho một số nhân công tạm nghỉ việc chỉ với mục đích cố trụ vững được trên thương trường, vì “buông có nghĩa là chết” – ông Phúc nói.

“Lúc đó, nguy cơ phải ngừng hoạt động rất cao, cũng may mà được người thân, bạn bè giúp đỡ, góp vốn để làm ăn mới duy trì được đến ngày hôm nay” – ông Phúc chia sẻ.

Chính vì vậy, khi nghe lãi suất cho vay đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm khá sâu, có ngân hàng giảm tới 1-1,5%, ông Phúc cũng như nhiều DN nhỏ và vừa khác tỏ ra rất vui mừng.

Theo ông Phúc, động thái hạ lãi suất cho vay của ngân hàng cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà quản lý trong thời gian qua sẽ tạo động lực để các DN yên tâm phục hồi sản xuất.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng băn khoăn về thủ tục vay vốn, khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng, vì lâu nay, chính yếu tố này cũng đang cản trở việc các DN có thể tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Verb), so với quý II/2016, thời điểm này đã có nhiều yếu tố thích hợp để các ngân hàng có thể từng bước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.

Và trên thực tế, các ngân hàng đã thực hiện điều đó. Đây là một tín hiệu vui cho cộng đồng DN vì một thời gian quá dài đã phải chịu mức lãi suất cao, kìm chế sự phát triển.

“Cùng với các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ (Nghị quyết 19 và 35), động thái hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ góp phần tạo ra một cú hích cho cộng đồng DN phục hồi, tăng sức cạnh tranh trong thời gian tới” – TS. Thành nhận định.

Minh Phương