Khó xóa chợ dân sinh

Nhật Minh 20/10/2016 09:40

Những tòa cao ốc – trung tâm mua sắm, siêu thị hiện đại dần thay thế các khu chợ cóc, chợ truyền thống, chợ dân sinh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, những trung tâm mua sắm được xây dựng lên lại không thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, càng mọc lên nhiều, các trung tâm mua sắm càng đìu hiu, vắng khách.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, với thói quen mua sắm của người Việt Nam, trung tâm mua sắm hiện đại vẫn chưa thể thay thế được chợ dân sinh, chợ truyền thống trong nhiều năm nữa.

Bộ mặt thủ đô Hà Nội đang ngày càng trở nên hiện đại hơn khi những khu chợ lụp xụp, ẩm thấp đang dần được thay thế bởi những trung tâm mua sắm hiện đại, sáng láng. Thế nhưng, thực tế cho thấy, khi đi vào vận hành, các trung tâm mua sắm, các siêu thị hiện đại như chợ Hàng Da, Cửa Nam… đã không đạt được những hiệu quả như kỳ vọng. Người dân không vào đó mua sắm mà vẫn tìm đến các chợ cóc, chợ dân sinh.

Không thể phủ nhận chợ truyền thống đã và đang là kênh phân phối hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng hiệu quả, bởi đây là kênh mua bán có nhiều ưu điểm như phong phú về mẫu mã, kiểu dáng, giá cả lại vừa túi tiền người dân…

Thêm vào đó, các chợ truyền thống lại nằm trong khu dân cư, đây là vị trí thuận lợi nhất cho việc buôn bán có tiềm năng rất lớn cho các DN liên kết với các tiểu thương, mở rộng sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chợ dân sinh, chợ truyền thống còn tạo cơ hội việc làm cho một bộ phận khá lớn người thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Những sạp hàng tuy nhỏ nhưng cũng đủ đem lại nguồn thu nhập cho họ. Nếu các chợ dân sinh bị “xóa sổ” và dần thay thế bằng các tòa nhà, trung tâm mua sắm, siêu thị hiện đại cũng đồng nghĩa, sẽ không còn chỗ cho những người bán hàng nhỏ lẻ, bộ phận cư dân với mức sống thấp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy cơ thất nghiệp cao.

Tuy nhiên, một bất cập hiện nay khiến các nhà quản lý đang rất đau đầu, chính là chợ dân sinh, chợ truyền thống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao. Theo ông Đặng Công Hiến, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương, mặc dù Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, song tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ hiện nay vẫn diễn ra phổ biến.

Mặc dù vậy, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế Hà Nội, phần lớn các ý kiến người tiêu dùng đều cho rằng, thời điểm này trung tâm mua sắm chưa thể thay thế được chợ truyền thống. Bởi vậy, sự tồn tại của các chợ truyền thống trong thời điểm hiện tại vẫn được cho là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến đều có chung một quan điểm: Các chợ truyền thống cần phải được tổ chức, nâng cấp lại, tạo môi trường an ninh, an toàn và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Nhật Minh