Đãi ngộ thu hút nhân tài

Việt Thắng (thực hiện) 07/11/2016 09:15

Trao đổi với ĐĐK, ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết- Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong những đột phá phát triển kinh tế-xã hội thì đột phá về nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng. Cần sắp xếp lại nguồn nhân lực một cách nghiêm túc và có kế hoạch đào tạo, đãi ngộ thu hút nhân tài để đạt mục tiêu tái cơ cấu, tăng trưởng kinh tế.

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết.

PV: Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Đổi mới mô hình tăng trưởng là để nâng cao chất lượng tăng trưởng, nhưng hiện nay chúng ta cũng đang thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Vậy theo bà chúng ta cần triển khai vấn đề này như thế nào?

Bà Mai Thị Ánh Tuyết: Hiện nay tái cơ cấu có 3 lĩnh vực là tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Thực tế để thực hiện thành công tái cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì phải khai thác thế mạnh của Việt Nam.

Đi đến thành công tái cơ cấu phải có lộ trình, mà ban đầu bước đi thế mạnh của ta vẫn là thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp của ta theo định hướng, chiến lược cũng có vị trí trong cơ cấu. Mặc dù giảm tỷ lệ trong cơ cấu chung nhưng giá trị tuyệt đối vẫn là lớn, góp phần cho tăng trưởng của nước ta. Mà muốn thực hiện nông nghiệp đáp ứng đúng hướng góp phần tăng trưởng kinh tế phải theo hướng chất lượng và công nghệ cao. Đây là hướng đi tất yếu trong quá trình chúng ta hội nhập do đó các vấn đề đầu tư phải mang tính đồng bộ.

Vấn đề liên kết vùng hiện nay điển hình như Đồng bằng sông Cửu Long thì vấn đề nông nghiệp tương đồng với nhau cho nên có thể tạo được một lượng hàng hóa lớn. Đáp ứng được đưa hàng hóa xâm nhập vào hệ thống toàn cầu phải có một chất lượng thương hiệu, quy mô lớn. Vì thế cần có sự liên kết vùng và quy hoạch. Để có cơ sở hạ tầng phù hợp cho nông nghiệp phát triển một cách đồng bộ thì đây là vấn đề hàng đầu kiên quyết phải làm. Do đó trong tái cơ cấu nền kinh tế đáp ứng được tăng trưởng tốt thì đầu tư công trung hạn phải gắn liền với định hướng này để giúp các giải pháp có thể thực hiện được trong thời gian tới.

Hiện nay có thực tế là chưa có sự gắn kết giữa các vùng kinh tế. Lý do là do thiếu cơ chế, do địa phương, hay thiếu người chủ công, thưa bà?

- Trong sản xuất nông nghiệp, nếu nâng cao được chất lượng thì nó sẽ tác động đến công nghiệp chế biến và dịch vụ. Thành ra nó làm cho nền kinh tế đẩy tốc độ tăng trưởng ở cả 3 khu vực. Vừa qua, vấn đề phát triển nông nghiệp của các địa phương thiếu một quy hoạch chung và sự điều phối của bộ ngành. Mỗi địa phương hầu như là cục bộ, chỉ lo làm sao phát triển tốt cho địa phương mình do đó nội bộ các tỉnh cạnh tranh với nhau. Liên kết với nhau tạo thành sức mạnh lượng hàng hóa lớn, chất lượng thì không làm mà tự nội bộ cạnh tranh với nhau, chưa kể cạnh tranh không lành mạnh, không liên kết mà là đối thủ của nhau.

Trong khi đó hội nhập có những đối thủ rất là mạnh cạnh tranh với hàng của ta. Điều đó làm cho nền kinh tế của ta suy yếu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư rất mạnh mẽ vào ta. Các sản phẩm được đưa vào hệ thống các siêu thị lớn phần lớn là hàng nước ngoài còn của ta ít do năng lực và thiếu sự liên kết. Đầu tư trọng tâm trọng điểm và điều phối của các bộ ngành chưa đi vào tập trung do đó thành công trong phát triển hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu thị trường thì vừa qua chúng ta còn bỏ ngỏ rất là nhiều.

Để đổi mới mô hình tăng trưởng, chúng ta cần tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm để tạo sức bật, lan tỏa thì mới kéo các vùng xung quanh phát triển theo? Ý kiến của bà về vấn đề này.

- Cần có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn. Đó là trong vấn đề phát triển hàng hóa chủ lực của Việt Nam trong đó phân ra từng vùng làm cái gì? Và vấn đề cơ sở hạ tầng trong đó có giao thông đều nằm trong quy hoạch chung để xây dựng nhằm đáp ứng giai đoạn nào? Phương tiện nào? Phải có một cách nhìn tổng thể và có một sự cân đối điều phối hàng hóa và tốc độ tăng trưởng, để làm sao những công trình bắt nhịp để phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế, sắp tới các công trình trọng điểm nên đưa vào một cái nhìn mang tính tổng thế hơn, để phát huy đồng bộ và theo từng giai đoạn theo nguồn lực, yêu cầu để đáp ứng năng lực và phát hiện được hiệu quả của công trình đó.

Để đáp ứng bất kỳ một vấn đề đổi mới nào thì con người là yếu tố quan trọng quyết định, vì có nguồn nhân lực mạnh thì chúng ta mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra, thưa bà?

- Hệ thống lại số liệu nguồn nhân lực của ta thấy rất là lo lắng, trong khi để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng thì phải có con người. Do đó tôi nghĩ các giải pháp phát triển kinh tế ta phải nhìn đồng bộ, vừa đầu tư cơ sở vật chất, vừa lo đào tạo nguồn nhân lực. Chính phủ nên xác định đây là trọng tâm đột phá và cần sắp xếp lại. Chúng ta có 3 đột phá thì tôi nghĩ đột phá về nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng. Cần sắp xếp lại nguồn nhân lực một cách nghiêm túc hơn và có một kế hoạch đào tạo đãi ngộ thu hút nhân tài để có điều kiện tăng trưởng theo mục tiêu tái cơ cấu mà chúng ta đã đặt ra.

Trân trọng cảm ơn bà!

Việt Thắng (thực hiện)