Tai nạn tại các công trình xây dựng: Ngăn chặn các nguy cơ

Khanh Lê 08/11/2016 09:14

Ngành xây dựng hiện là ngành vừa có nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra nhất và đứng đầu cả số người thương vong trong các ngành. Làm thế nào để ngăn chặn những tai nạn thương tâm này cũng như cơ chế xử lý sau tai nạn đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Vấn đề an toàn lao động chưa được quan tâm đúng mức.

Những cái chết thương tâm

Không ít những lời cảnh báo về an toàn lao động nhưng tai nạn vẫn liên tiếp xảy ra. Trung tuần tháng 10 vừa qua, hai vụ tai nạn đã xảy ra tại những công trình xây dựng ở Hà Nội đã làm 3 người thiệt mạng, 4 người bị thương. Đó là vụ sập giàn giáo vào ngày 13/10, xảy ra tại công trường xây dựng trên phố Giáp Nhị, quận Hoàng Mai, đã khiến 2 người thiệt mạng, 4 người khác bị thương.

Trong số những nạn nhân xấu số của vụ tai nạn này có người còn rất trẻ. Đó là chị Nguyễn Thị Cẩn đến từ Hà Nam vừa tròn 25 tuổi.

Sự việc chưa kịp lắng, ngày 16/10, một nam công nhân mới 19 tuổi đang làm việc tại công trình thi công đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông cũng đã thiệt mạng sau cú ngã từ độ cao 5m. Trước đó, tại một số công trình xây dựng lớn trên địa bàn thành phố, một số công nhân đã tử vong trong quá trình thi công.

Qua xem xét hồ sơ các vụ TNLĐ đều cho thấy, đa phần nạn nhân trong các vụ TNLĐ đều đang ở tuổi lao động, là trụ cột chính trong gia đình nên những mất mát, tổn thương do TNLĐ gây ra, không chỉ riêng người lao động phải gánh chịu mà đằng sau đó là cả một gia đình...

Mặt khác việc giải quyết chế độ khi TNLĐ xảy ra cho những người này cũng còn nhiều bàn cãi, vì mức độ đền bù chưa đủ mức răn đe buộc người sử dụng lao động phải chú ý trang bị bảo hộ lao động, huấn luyện an toàn cho người lao động.

Ông Bạch Quốc Việt - Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, với các vụ TNLĐ chết người do lỗi của người sử dụng lao động, thân nhân chỉ được đền bù số tiền tương đương 30 tháng lương và phụ cấp (nếu có), BHXH chi trả các khoản: chi phí mai táng, trợ cấp hàng tháng cho con dưới 18 tuổi của nạn nhân, phụ cấp hàng tháng cho bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ/chồng nếu họ hết tuổi lao động, không có lương hoặc trợ cấp nào.

Nếu chết người do lỗi của người lao động, thân nhân được đền bù số tiền tương đương 12 tháng lương và phụ cấp (nếu có) và các chế độ khác do BHXH chi trả giống như trường hợp TNLĐ do lỗi của chủ sử dụng LĐ. Với những trường hợp bị thương do TNLĐ thì chủ sử dụng LĐ phải chi trả toàn bộ chi phí điều trị và đền bù cho NLĐ tùy theo mức độ thương tật; nếu NLĐ mất sức LĐ từ 31% trở lên sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng.Các quy định, chế độ chi trả TNLĐ dù rất đầy đủ, nhưng theo đánh giá của ông Việt, vẫn còn nhiều lao động phải chịu thiệt thòi.

Tăng cường thanh tra và kiểm tra

Qua kiểm tra hàng năm của cơ quan quản lý nhà nước về lao động đã phát hiện tình trạng doanh nghiệp xây dựng bán thầu, cho mượn pháp nhân hoặc sử dụng cai thầu và khoán trắng công tác an toàn cho các cai thầu.

Các nhà thầu phụ không chú ý đến ATLĐ cho người lao động, nhất là các lao động tự do chưa được đào tạo bài bản, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu kiến thức và kỹ năng về ATLĐ.

Để trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cũng như chi trả chế độ nếu không may xảy ra TNLĐ, chủ sử dụng lao động chỉ ký hợp đồng lao động ngắn hạn, thời vụ hoặc thỏa thuận công việc bằng miệng với người lao động. Đây là một trong những lý do chính khiến TNLĐ trong ngành xây dựng tăng qua các năm.

Để giảm thiểu TNLĐ, ngoài biện pháp thắt chặt quản lý thì cần phải tăng cường thanh, kiểm tra công tác đảm bảo ATLĐ, quản lý tốt các yếu tố gây TNLĐ tại các công trường.

Ông Bạch Quốc Việt cho biết, Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1/7/2016 quy định, khi thuê lao động thời vụ ngắn hạn làm việc dưới 3 tháng thì chủ sử dụng lao động cũng phải ký HĐLĐ và tham gia BHXH cho họ.

Một điểm nữa cũng được ông Việt nhấn mạnh, trong quá trình giải quyết chế độ TNLĐ thì hợp đồng giao kết bằng miệng cũng có giá trị như HĐLĐ được ký kết bằng văn bản nếu người lao động có xác nhận của ít nhất 3 người cùng chứng kiến hoặc biết sự việc.

Khanh Lê