Giữ cho bất động sản không đóng băng

Lê Anh 10/11/2016 07:43

Đề xuất giảm diện tích tối thiểu được tách thửa; Xử lý hàng loạt thanh tra xây dựng nhũng nhiễu, tiêu cực; “tuýt còi” doanh nghiệp nhà nước mang đất công cho thuê;…là những động thái mới nhất của TP HCM nhằm giữ nhịp độ phát triển bền vững của thị trường bất động sản, được dự đoán sẽ chịu nhiều tác động trong năm tới.

Giữ cho bất động sản không đóng băng

Nhiều doanh nghiệp bất động sản xây nhà đối phó với quy định tách thửa tại Quyết định 33 của UBND TP HCM.

Từ đầu năm đến nay, UBND TP HCM đã mạnh tay trong cắt giảm các khoản chi tiêu, thậm chí như một số ĐBQH của TP nói tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV vừa qua, thành phố đã không còn chỗ để cắt giảm chi tiêu nữa nên việc giảm một lúc từ 23% xuống còn 17% ngân sách được giữ lại hàng năm thì thành phố sẽ trở tay không kịp.

Dẫu rằng, vấn đề tỉ lệ ngân sách TP HCM được giữ trong giai đoạn 2017-2020 vẫn còn trên bàn thảo luận, thế nhưng vốn là lĩnh vực tương đối “nhạy cảm” trước các thông tin dự báo trên báo chí, thậm chí chỉ là các tin đồn thì bất động sản được đánh giá sẽ chịu nhiều tác động trong năm tới đây.

Tuy nhiên, ngay từ 3 tháng cuối năm 2016 thì TP HCM đã chủ động có các động thái can thiệp để giữ nhịp ổn định cho thị trường đầy biến động này.

Đầu tiên là đề xuất điều chỉnh diện tích tối thiểu được tách thửa của Sở Tài nguyên -Môi trường TP Dự thảo nhằm hoàn thiện dự thảo quyết định thay thế cho quyết định 33/2014 quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn thành phố.

Theo đề xuất này, Sở Tài nguyên – Môi trường TP đưa ra hai phương án quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đất ở. Trong đó, phương án lựa chọn của Sở là quy định các quận nội thành, diện tích tối thiểu tách thửa là 36-45 m2 (theo Quyết định 33 là 36-50 m2) và diện tích tách thửa tối thiểu tại các quận mới, thị trấn các huyện hoặc khu vực được quy hoạch đô thị hóa thuộc huyện là 50 m2 và các huyện ngoại thành là 80 m2 kèm theo các điều kiện về hạ tầng (theo Quyết định 33 là 50-120 m2 kèm theo ràng buộc về hạ tầng kỹ thuật).

Theo đơn vị đề xuất thì việc điều chỉnh diện tích tối thiểu được tách thửa do vừa qua Quyết định 33 quy định về vấn đề này còn dễ gây hiểu nhầm và tạo kẽ hở để chủ đất lách.

Đồng thời, đây cũng là thực tế đang xảy ra tại nhiều quận, huyện trong thời gian qua, trong đó nổi cộm nhất là tại Q.Thủ Đức, Q.9, Q.12 và huyện Hóc Môn. Về thực tế nêu trên, báo Đại Đoàn Kết từng có nhiều bài viết phản ánh các ý kiến bức xúc chung liên quan đến quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ xin tách thửa đất của người dân tại các địa bàn.

Đối với hạ tầng chung cư, UBND TPH CM cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng mới 474 chung cư cũ xuống cấp.

Trong đó, thành phố đề xuất cho phép trường hợp hộ gia đình đã ký hợp đồng bố trí nhà ở tái định cư, nhưng không có nhu cầu ở tại chung cư xây dựng mới thì vẫn được phép bán căn hộ tái định cư theo hình thức chuyển nhượng căn hộ hình thành trong tương lai.

Quy định này được dự báo sẽ giúp thị trường căn hộ của thành phố, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà tái định cư sẽ cung cấp một lượng nguồn cung lớn cho thị trường trong năm tới, kéo giảm tình trạng “thổi giá” của hạ tầng này trong nửa đầu năm nay.

Với nhiều động thái đi trước về cơ chế, chính sách, kể cả đề xuất tham mưu với chính quyền thành phố thì thị trường bất động sản thành phố được dự báo sẽ còn phát triển ổn định trong năm tới, bất chấp các dự báo tác động về giảm chi ngân sách của thành phố.

Lê Anh