Tiếp thu những 'hiến kế' tâm huyết của kiều bào

Thành Luân Ảnh: Hồng Phúc 12/11/2016 14:00

Đông đảo trí thức kiều bào hiến kế, khi Chính phủ cho phép một cơ chế đặc thù để TP HCM xây dựng tầm nhìn của một đô thị có “chính quyền mở, lòng người mở, dữ liệu mở, thị trường mở, chính sách mở” để kết nối toàn cầu, thì tương lai không bao xa Việt Nam sẽ có thành phố vào tốp dẫn đầu khu vực.

Ngày 12/11, tại TP HCM, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng UBND TP HCM tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 3, với chủ đề: “Kiều bào chung sức xây dựng TP HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – Phạm Bình Minh, Bí thư Thành ủy TP HCM – Đinh La Thăng, đại diện lãnh đạo UBND, các Sở ngành, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cùng hơn 500 kiều bào trở về từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ về dự.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh
phát biểu chia sẻ với kiều bào và lãnh đạo TP HCM tại Hội nghị.

“Thảm đỏ” đón dòng tri thức kiều bào

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã vui mừng chào đón bà con kiều bào đang định cư ở khắp các châu lục về nước dịp này, cùng với nhiều sự kiện được Bộ ngoài giao tổ chức thời gian qua như Xuân Quê hương, Giỗ tổ Hùng vương, các trại hè....Đồng thời, Phó Thủ tướng bày tỏ: sự kiện lần này với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” - một sự kiện lớn đầu tiên mà Bộ Ngoại giao chọn TP HCM làm “điểm đến” đầu tư giới thiệu với bà con kiều bào trong năm “khởi nghiệp” 2016.

“Tại sao lại là TP HCM? Bởi vì TP HCM không chỉ từng là “Hòn ngọc Viễn Đông” trước đây mà còn luôn là đầu tàu cả nước trong tiến trình mở cửa, hội nhập. Vì vậy, TP HCM phải đi trước để cả nước tiến lên. Đây không chỉ là mong muốn của Đảng, Nhà nước mà còn là của đông đảo kiều bào”, Phó Thủ tướng lý giải.

Chia sẻ với đông đảo kiều bào, Phó Thủ tướng cho biết: tình hình thế giới và khu vực thời gian gần đây chuyển biến nhanh, phức tạp. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng hoà bình và phát triển, toàn cầu hoá, liên kết kinh tế vẫn là những xu thế lớn, không thể đảo ngược, cho dù còn nhiều trở ngại do cạnh tranh, xung đột, chủ nghĩa dân tộc, dân tuý gia tăng ở một số nơi.

Do đó, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn, nhất là mô hình tăng trưởng cũ là tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào lợi thế tài nguyên và nhân công rẻ từng mang lại thành công nay đã có dấu hiệu tới hạn. Trong khi, năng suất, trình độ công nghệ và quản trị vẫn còn thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Để vượt qua những thách thức, sớm đưa Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải cải cách thể chế kinh tế, tiếp tục hội nhập sâu, rộng. Hiện nay Chính phủ đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tất cả lĩnh vực, trong đó, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung phát triển các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Phó Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh chủ trương của Đảng và Nhà nước coi kiều bào là “bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam”. Và ngày nay, đất nước rất cần tri thức, kinh nghiệm, trí tuệ và nhiệt huyết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đại biểu kiều bào đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước dự Hội nghị.

“Trong số hơn 500 đại biểu kiều bào có mặt hôm nay, tôi biết có nhiều đại biểu ở nhiều lứa tuổi khác nhau, người cao tuổi nhất 85 tuổi, người trẻ nhất 35 tuổi, có vốn tri thức, kinh nghiệm phong phú và đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhiều nước trên thế giới, nhưng có một điểm chung vô cùng quý báu và đáng trân trọng là đều tâm huyết với sự phồn vinh của đất nước", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Đi vào cụ thể các chính sách thu hút kiều bào của TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM - Nguyễn Thành Phong nói: thành phố là địa phương có nhiều chính sách ưu đãi đối với kiều bào, thể hiện sinh động qua việc thu hút số lượng lớn kiều hối, chiếm 50% tổng số kiều hối cả nước. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của thành phố vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả, chưa tương xứng tiềm năng tri thức, vốn kinh nghiệm quốc tế và nguồn tài chính quan trọng mà cộng đồng kiều bào đã tích luỹ.

Người đứng đầu chính quyền TP HCM khẳng định, TP HCM đang tập trung thực hiện 7 chương trình đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính, chất lượng tăng trưởng kinh tế, giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường và chỉnh trang phát triển đô thị.

Điển hình chỉ riêng trong giai đoạn 2011 – 2015, GDP thành phố tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần so với cả nước; bộ mặt đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại; chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt; uy tín quốc tế của thành phố không ngừng được nâng cao.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng nhìn nhận, việc huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của thành phố vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Ở một số lĩnh vực chưa kêu gọi được đóng góp, vốn kinh nghiệm và nguồn tài chính quan trọng mà cộng đồng người Việt ở nước ngoài tích lũy được.

Do đó, trong Hội nghị lần này ông Nguyễn Thành Phong khẳng định: “TP HCM rất cầu thị tiếp thu những hiến kế đóng góp tâm huyết, quý báu của kiều bào; đồng thời tích cục thảo luận để đưa ra các giải pháp khả thi, hiệu quả, không chỉ nói suông”.

Chủ tịch UBND TP HCM – Nguyễn Thành Phong kỳ vọng
lực lượng đông đảo trí thức kiều bào sẽ giúp thành phố
vươn tầm phát triển trong tương lai gần.

Kiều bào muốn một TP HCM “mở cửa”

Tại Hội nghị, các đại biểu kiều bào đã “trải lòng” nhiều tâm tư khi trở lại thành phố mang tên Bác vào dịp này, trong giai đoạn thu hút đầu tư mạnh mẽ của chính quyền thành phố.

Bà Caroline Kiều Linh Valverde, kiều bào Mỹ, Giáo sư Đại học UC Davis, California chia sẻ: dù chỉ biết mặt ba mẹ vào lúc nhỏ, sau đó hoàn toàn bị cách biệt với tiếng Việt. Thế nhưng khi trưởng thành, GS Caroline có cơ duyên đặc biệt khi trở thành giáo sư nghiên cứu, giảng dạy về văn hoá Việt Nam, Châu Á ở Mỹ. Bà có tình yêu vô bờ bến với nền văn hoá Việt Nam dù sinh ra, lớn lên ở Mỹ. Đi đâu, thậm chí trong từng bài giảng của mình, bà Caroline luôn khẳng định mình là “made in Vietnam”. “Có người hỏi tôi là 35% Việt Nam hả? Tôi trả lời: không, 100% Mỹ nhưng cũng 100% nước mắm”, GS gốc Việt dí dỏm.

Bà kể, khi nghiên cứu về văn hoá học, bà luôn băn khoăn tìm về nghiên cứu ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Năm 1993, bà đáp máy bay về Hà Nội tại Đại học Bách Khoa. “Dù xa lạ, nhưng tôi cảm giác như thân thiết với những người chưa quen biết. Góc phố, ngõ hẻm như thầm gọi đứa con xa xứ trở về”, GS Carolin kể lại ngày đầu trở về quê hương. Vậy là, trong nhiều năm đi đi về về giữa Mỹ - Việt Nam, từ những trải nghiệm của mình, ngoài các hoạt động quảng bá văn hoá Việt Nam, GS Carolin còn viết cuốn sách “Transnationalizing Vietnam” nghiên cứu về cộng đồng người Việt tại Mỹ được nhiều người đón nhận.

GS gốc Việt kết thúc bài tham luận của mình với hiến kế tầm nhìn cho TP HCM: “Nếu chọn con đường năng động, cấp tiến, Việt Nam cần đầu tư vào thế hệ trẻ. Khuyến khích nhân tài, giúp họ biết phát huy cội nguồn là người Việt để đóng góp cho nước nhà ngày mai tươi sáng hơn. Đây là nguyện ước mà tôi sẽ làm hết cuộc đời. Mình cũng là một dân tộc không thua một dân tộc nào khác, một dân tộc có ngàn năm văn hiến. Hãy giữ lấy quê hương xứ sở như mảnh đất mà mình đang bám lấy dưới lòng bàn chân”.

Ông Hoàng Tuấn (GS Đại học công nghệ Sydney); ông Nguyễn Đức Khương (GS.TS Trưởng khoa kinh tế tài chính thuộc Học viện Quản lý và Quản trị kinh doanh Paris); ông Nguyễn Đỗ Dũng (chuyên gia về quy hoạch đô thị, Singapore) góp ý, hiến kế về chính sách thu hút, quy hoạch hạ tầng đô thị, giao thông và các vấn đề phúc lợi xã hội.

Kiều bào từ khắp năm châu ủng hộ cho đồng bào miền Trung
ngay bên lề Hội nghị ngày 12/11.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng so sánh các mô hình phát triển của Singapore, Israel, Hàn Quốc và góp ý: “Chính quyền TP HCM hãy nhìn Israel, họ thành công khi sử dụng chuyên gia của họ ở khắp các nơi trên thế giới. Tôi tin, Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng hoàn toàn có thể làm được trong tương lai gần như quốc gia Trung Đông này. Việt kiều chúng tôi luôn sẵn sàng dấn thân, song hành và đồng hành cùng đất nước”.

Với câu hỏi “TP HCM đã sẵn sàng trở thành đô thị dẫn đầu hay chưa?”, ông Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng, chính quyền thành phố hoàn toàn có thể dẫn đầu khu vực, thậm chí nghĩ đến các thứ hạng của các thành phố thông minh, đáng sống trên thế giới nếu có bộ máy linh động, cơ chế cần khuyến khích sáng tạo, không để thẩm quyền còn chồng chéo như hiện nay.

Chuyên gia này gợi ý, đô thị Thủ Thiêm là nơi có thể thu hút đầu tư, phát triển thành phố thông minh. Thậm chí, đối với các quận trung tâm thì ngập không phải là quá tệ vì có thể xây dựng hình ảnh của một thành phố đáng sống, bởi vì thành phố có thể khuyến khích sáng tạo để có những giải pháp về chống ngập cho toàn thế giới. “Thành phố có sẵn một cộng đồng rất mở, chưa có thành phố nào đón nhận tất cả người dân đến thành phố một cách cởi mở như TP HCM. Vậy thì tại sao chúng ta không xây dựng tầm nhìn của chính quyền mở, lòng người mở, dữ liệu mở, thị trường mở, chính sách mở để kết nối toàn cầu”, ông Dũng đặt vấn đề.

Kỹ sư Môi trường (chuyên gia Điều khiển của Nhà máy nhiệt điện tại Australia) Nguyễn Thị Mỹ hiến kế TP HCM nên hướng phát triển ra hướng Đông, bởi vì thành phố là cửa ngõ ra biển, với các yếu tố địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế trọng yếu, cũng như gần đây là các cơ chế hợp tác phát triển kinh tế vùng vô cùng rộng khắp. “Việc tận dụng nguồn lực kiều bào, với sự nhận thức và áp dụng đúng nguyên tắc đoàn kết, sáng tạo và sử dụng đúng đòn bẩy kinh tế, khoa học kỹ thuật là vô cùng quan trọng”, bà Mỹ nhấn mạnh.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại TP HCM để tiếp xúc, lắng nghe sự hiến kế của kiều bào tiêu biểu. Đây là cơ hội để kiều bào, doanh nhân, trí thức là người Việt ở nước ngoài được gặp gỡ, tiếp xúc, hiến kế trực tiếp với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Qua đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp kiều bào khi trở về quốc gia sinh sống sẽ là “sứ giả” trong việc kết nối, quảng bá đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đặc biệt là quảng bá, giới thiệu các dự án thu hút đầu tư trọng điểm của TP HCM các nhà đầu tư nước ngoài.

Tối cùng ngày (12/11) Thủ tướng dự kiến sẽ dự chương trình văn nghệ chào mừng Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 3 tại Nhà hát TP HCM.

Thành Luân Ảnh: Hồng Phúc