Tuyển sinh cao đẳng, trung cấp quanh năm: Lo ngại chất lượng đào tạo

Thu Hương 29/11/2016 07:25

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, dự thảo quy chế tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp (CĐ, TC) từ năm 2017 do Bộ LĐTB&XH vừa công bố có thể giúp các trường có thêm cơ hội “vét” thí sinh.

Ảnh minh họa.

Bài toán đặt ra là nếu có những trường, với mỗi đợt tuyển sinh chỉ có được một số ít học viên đăng ký xét tuyển thì có tổ chức mở lớp hay chờ học cùng với nhóm thí sinh trúng tuyển lần sau? Chất lượng đào tạo liệu có đi xuống do đối tượng áp dụng không chỉ có các trường CĐ, TC nghề mà còn gồm các trường ĐH có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở trình độ TC, CĐ.

“Chiếc phao” cho các trường khó tuyển sinh

Với Dự thảo mới của Bộ LĐTB&XH, hiệu trưởng được toàn quyền quyết định về thời gian tuyển sinh, số đợt tuyển sinh trong năm trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh đã được xác định theo quy định. Chỉ tiêu tuyển sinh chỉ được áp dụng trong năm đó. Trước mỗi đợt tuyển sinh ít nhất 30 ngày, các trường công bố công khai các thông tin về tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Trong tình hình tuyển sinh khó khăn hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ, TC phải đối mặt với bài toán làm sao để có đủ học viên mỗi khoá thì đây là một tín hiệu vui.

“Việc Bộ LĐTB&XH cho phép các trường tuyển sinh quanh năm là một phương án “gỡ khó” cho nhiều trường CĐ, TC, nhất là những trường chưa tạo dựng được uy tín, tên tuổi có thể thu hút nhiều học viên hơn do nhu cầu học nghề của nhiều người là có thật nhưng trước đây do giới hạn các đợt tuyển sinh nên họ chưa mặn mà” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận định.

Tuy nhiên, với những trường đã khẳng định được thương hiệu qua tỷ lệ học viên tốt nghiệp có việc làm cao, được các công ty tuyển dụng đánh giá tốt thì quy định này thực ra không có mấy tác dụng.

Bởi dù tuyển một đợt hay nhiều đợt thì mọi chỉ tiêu, kế hoạch tuyển sinh hàng năm của các trường đều có giới hạn và phải đăng ký với cơ quan chủ quản. Nếu như ngay trong những đợt tuyển sinh đầu tiên, trường đã tuyển đủ, tuyển vượt chỉ tiêu thì việc có thêm các đợt tuyển sinh khác cũng không ảnh hưởng gì.

Bài toán đào tạo

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, khi Bộ LĐTB&XH nới lỏng quy định về thời gian tuyển sinh thì bản thân các trường cũng cần cân đối để tổ chức tuyển sinh sao cho hợp lý. Trên thực tế đã có những khoá học vì quá ít học viên đăng ký mà nhà trường dù đã thu tiền học phí, sau đó phải trả lại học viên như trường hợp của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam.

Theo lãnh đạo nhà trường, cả 14 ngành bậc TC chuyên nghiệp nhà trường đào tạo chỉ tuyển được tổng số 9 học sinh. Khi nhà trường gọi điện đến từng phụ huynh học sinh để thông báo tình hình, đồng thời đề xuất hướng giải quyết thì đa số phụ huynh đều đồng ý rút học phí và hồ sơ nhưng cũng có một số phụ huynh bức xúc vì đã nộp tiền, chờ đợi mà cuối cùng con em không được đi học. “Điều này cần được các trường tính đến để đảm bảo quyền lợi cho người học” - ông Nhĩ khuyến cáo.

Chia sẻ quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH cho rằng, ngay cả nhiều ĐH cũng đau đầu với câu hỏi “thí sinh đi đâu?”, các trường CĐ thì được ưu ái đến mức học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể xét tuyển vào trường CĐ thì hệ TC thực sự khó khăn.

Liệu chất lượng đào tạo có đi xuống vì các trường ĐH có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở trình độ CĐ, TC sẽ có ưu thế tuyển sinh hơn do tâm lý chuộng bằng cấp của người học.

Chỉ cần đăng ký học CĐ sau đó liên thông lên ĐH một cách dễ dàng, dẫn đến tình trạng sinh viên cầm bằng ĐH trong tay nhưng vẫn thất nghiệp. Vì vậy, theo ông Khuyến, để tập trung người học, Bộ LĐTB&XH cần tính đến phương án cho phép tuyển sinh trong một khoảng thời gian nhất định.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội thứ 2 khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt câu hỏi về việc sắp xếp lại các trình độ đào tạo của GDNN theo hướng hợp nhất TC chuyên nghiệp với TC nghề; CĐ với CĐ nghề.

Việc sáp nhập này không những tạo sự thống nhất về các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, khắc phục sự chồng chéo trong đào tạo nguồn nhân lực mà còn tập trung được nguồn lực đầu tư phát triển GDNN và phù hợp với các cấp trình độ đào tạo nghề nghiệp của khối ASEAN, làm cơ sở cho việc công nhận trình độ đào tạo cũng như tạo thuận lợi cho việc chuyển dịch lao động giữa các quốc gia trong khu vực và với các nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về lao động.

Thu Hương