Hậu quả được... báo trước

Lê Anh Đức 10/03/2017 11:15

Sở Y tế Hà Nội khẳng định đã tạm đình chỉ hoạt động của Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) với lý do làm một thai phụ bị hôn mê, co giật và chết não sau khi khám phụ khoa tại đây. Tất nhiên quyết định trên sẽ tránh cho những bệnh nhân khác rơi vào hoàn cảnh tương tự. Song, vấn đề ở chỗ không phải cứ “mất bò rồi mới lo làm chuồng”, mà cần có những biện pháp quản lý hữu hiệu để không có những sự việc đáng tiếc như vậy xảy ra.

Sự việc xảy ra chiều 5/3 khi chị Trần Thị Thu Tr. (SN 1988, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) đang có thai 20 tuần tuổi, đến khám phụ khoa tại Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội. Chỉ sau 3 phút sử dụng máy rung theo tư vấn của bác sĩ tại đây, bệnh nhân có triệu chứng khó thở, lên cơn co giật nên được chuyển lên Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai). Đến tối 7/3, bệnh nhân Tr. rơi vào tình trạng nguy kịch, bị chết não. Gia đình đã có đơn khiếu nại và hiện Công an huyện Thanh Trì đang điều tra làm rõ sự việc.

Ai cũng biết lĩnh vực y tế liên quan đến sức khỏe và mạng sống con người nên cần phải được quản lý hết sức chặt chẽ, giám sát thường xuyên để tránh rủi ro cho người bệnh. Biết thì vẫn biết vậy, song lâu nay có vẻ như các cơ quan quản lý nhà nước vẫn quen với việc đánh trống bỏ dùi nên lâu lâu lại xảy ra một vụ việc đáng tiếc ở các phòng khám hay bệnh viện cả công, cả tư. Bởi thế, việc bệnh nhân bị chết não sau khi khám và điều trị tại Phòng khám 168 Hà Nội đâu phải là trường hợp hy hữu hay đầu tiên.

Nói không ngoa thì hầu như năm nào Hà Nội cũng xảy ra một vài vụ bệnh nhân bị các bác sĩ ở các phòng khám “chữa lợn lành thành lợn què”. Nhiều bệnh nhân đã thiệt mạng sau khi đi khám và điều trị tại các phòng khám tư nhân. Có những phòng khám trong 1 năm có tới 2 bệnh nhân tử vong như Phòng khám Hương Sơn (90 phố Tía, Thường Tín, Hà Nội) trong vòng 5 tháng năm 2013 đã làm 2 cháu bé tử vong. Thậm chí có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như ở Trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường, sau khi bệnh nhân tử vong đã bị quẳng xác xuống sông để phi tang...

Cứ sau mỗi lần xảy ra một vụ việc bệnh nhân tử vong tại 1 phòng khám nào đó thì các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế mới lại nháo nhào “ra quân” kiểm tra, xét hỏi các cơ sở dịch vụ y tế. Ai chẳng nhớ sau khi xảy ra vụ án Cát Tường, các phòng mạch tư nhân trên toàn địa bàn TP Hà Nội, đặc biệt là trên địa bàn quận Hai Bà Trưng bị “soi” kỹ, liên tục có các đoàn thanh tra đến kiểm tra, giám sát. Nhiều phòng khám phát ốm khi đoàn của phường sở tại vừa đi khỏi thì lập tức có đoàn kiểm tra của quận, rồi của sở...

Nếu như cái sự sát sao ấy được duy trì thường xuyên, liên tục, có khoa học, bài bản để vừa kiểm soát tốt các phòng khám, nhưng cũng tránh được phiền hà cho cơ sở y tế thì còn gì đáng mừng hơn. Song, rất tiếc là không phải như vậy. Cứ khi có “cháy nhà, chết người” thì các cơ quan quản lý nhà nước mới lùng sục, mới “soi” kỹ lưỡng các cơ sở y tế trên địa bàn. Tuy vậy, ngay cả khi các cơ quan chức năng rầm rộ ra quân thì dư luận cũng không hề đánh giá cao về chất lượng kiểm tra giám sát.

Nói vậy không hề sai khi mà một tổ công tác của phường, hay của quận vào kiểm tra 1 phòng khám thì liệu có thể phát hiện được gì về mặt chuyên môn nếu không có chuyên gia về lĩnh vực y tế đi cùng? Ngay cả khi đoàn kiểm tra đó là của chính ngành y tế thì việc phát hiện kịp thời những vi phạm của phòng mạch cũng hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ làm việc của các thành viên là tích cực hay chỉ đơn giản là cưỡi ngựa xem hoa, làm cho gọi là có làm. Chẳng thế mà ngay sau những đợt các cơ quan chức năng ồ ạt ra quân “chấn chỉnh” các phòng khám tư nhân thì ngay sau đó lập tức lại xảy ra chết người tại phòng mạch nào đó.

Thực ra thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng có những khó khăn nhất định trong việc kiểm soát tất cả các cơ sở y tế cả công cả tư. Bởi lẽ, lực lượng “đặc chủng” có chuyên môn về y tế thì có hạn, trong khi trên địa bàn TP Hà Nội nhan nhản những phòng khám tư nhân mọc lên như nấm, nên làm sao có thể kiểm soát hết. Song, nói đi thì cũng phải nói lại. Nếu thực sự các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đúng các quy định của pháp luật, chặt chẽ trong việc cấp phép mở phòng khám, kiên quyết xử lý khi xảy ra vi phạm thì có lẽ cũng hạn chế được khá nhiều những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Nói có sách, mách có chứng, có thể tỷ dụ cụ thể vào ngay vụ việc vừa xảy ra tại Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội, khiến bệnh nhân Tr. bị chết não. Theo thống kê của cơ quan chức năng thì trong 3 năm qua, Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội liên tiếp có những vi phạm khá nghiêm trọng như: Nhập khẩu thuốc và thiết bị y tế nhưng không chứng minh được nguồn gốc, quảng cáo dịch vụ ngoài phạm vi chuyên môn được phép, sử dụng máy móc chưa được phép lưu hành...

Đáng nói, tháng 10/2015, Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội từng bị Sở Y tế ra quyết định đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh và tước chứng chỉ hành nghề trong 9 tháng của hai bác sĩ người Trung Quốc, đồng thời ra quyết định xử phạt 67,4 triệu đồng. Tiếp đó vào năm 2016 bị xử phạt 3 lần do các lỗi vi phạm trong khi hành nghề. Tất cả những vi phạm của Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội như một “hệ thống cảnh báo sớm”, rằng sẽ xảy ra sự việc đáng tiếc cho bệnh nhân. Song, đáng tiếc các cơ quan quản lý nhà nước lại không có bất cứ sự phòng ngừa nào nên mới dẫn đến sự cố bệnh nhân Tr. bị chết não mới đây. Vậy mới nói hậu quả này đã được... báo trước.

Lê Anh Đức