Nhiều Bộ, ngành thiếu quan tâm công tác xây dựng luật

Lục Bình 25/03/2017 20:12

Tại cuộc kiểm tra rà soát chuyên đề về tình hình xây dựng các văn bản chi tiết thi hành luật, pháp lệnh của 11 bộ, cơ quan của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, tình trạng nhiều Bộ có văn bản nợ đọng nhưng không cử lãnh đạo Bộ dự họp cho thấy sự quan tâm tới công tác xây dựng luật rất hạn chế.

11 cơ quan kiểm tra, rà soát chuyên đề gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công thương, Công an, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Mai Tiến Dũng, trong công tác xây dựng thể chế, tới đây tại phiên họp Chính phủ, sẽ công khai bộ nào làm tốt, bộ nào không làm tốt. Hiện nay còn 10 văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật quá hạn, mà lẽ ra phải có hiệu lực từ 1/1/2017, như vậy đã quá hạn 3 tháng. Ngày 1/7 tới đây, sẽ có 11 văn bản có hiệu lực, nhưng nếu không làm tốt thì lại quá hạn. Vì để đến ngày đó văn bản có hiệu lực thì ngày 15/5, các văn bản phải được ban hành. Ông Dũng đề nghị các bộ giải trình, báo cáo, cam kết thời gian thực hiện.

Chỉ ra nhiều văn bản quy phạm pháp luật dù đã quá thời hạn ban hành nhưng vẫn phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn như Luật Dược, ông Mai Tiến Dũng lưu ý: Luật Dược đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, nhưng vẫn còn 3 nghị định quy định chi tiết thi hành luật đã quá hạn ban hành. Trong đó, nghị định quy định chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 10 Luật Dược do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo chưa trình. Nghị định này đã quá hạn 5 tháng 23 ngày tính đến thời điểm kiểm tra.

Giải trình, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân trần, “vì nội dung này quá mới với Bộ, chưa có ai được phân công theo dõi lĩnh vực dược liệu”. Tuy nhiên, thành viên Tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhận định, “cứ nói là mới, chứ dược liệu cây trồng thì rất dễ, như rau má mọc đầy đường tàu, như nghệ vùng nào cũng có… Ngồi một chỗ không thấy có ai báo cáo thì cho là mới, thì không được”.

Nhưng không chỉ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dựa vào sự “rất mới” để thanh minh cho sự chậm trễ mà nhiều Bộ khác cũng như vậy và thêm nhiều lý do nữa để chứng minh nợ là sự “bất khả kháng”. Trong đó có cả Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường...

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chốt lại: “Thay người là nhanh nhất, thay người là văn bản nhanh ngay”, và cho biết, nếu còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ, Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp đề nghị Thủ tướng để Văn phòng Chính phủ chủ trì xử lý.

Lục Bình