Hạn chế tối đa thí sinh ảo

Khánh Vân 14/05/2017 08:00

Kết thúc đợt đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH,CĐ năm 2017, dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, 10% thí sinh đăng ký 1-5 nguyện vọng. Điều này cho thấy khả năng thí sinh đăng ký mà không học ở một số trường sẽ rất lớn.

Vì vậy, năm 2017 sẽ là năm đầu tiên các trường đại học ở Việt Nam thống nhất xét tuyển chung với 2 nhóm trường miền Bắc và miền Nam. Phương án này được cho là có thể hạn chế lượng thí sinh ảo hiệu quả nhất.

Thanh niên tình nguyện hướng dẫn thí sinh dự thi đại học.

Khoảng 80% thí sinh đăng ký 1-5 nguyện vọng

Tại Hội nghị tuyển sinh nhóm các trường ĐH miền Bắc mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết thống kê dữ liệu đăng ký xét tuyển cho thấy, 50% thí sinh chỉ đăng ký 1-3 nguyện vọng; 30% đăng ký 4-5 nguyện vọng; 18% đăng ký từ 6-10 nguyện vọng.

Như vậy, nếu xét từ nguyện vọng 1 đến nguyện vọng 10 thì có 98% thí sinh đăng ký. Chỉ có 2% thí sinh đăng ký từ 11-48 nguyện vọng. Tuy nhiên, trong số này, 1,7% đăng ký từ 11-15 nguyện vọng. Số thí sinh đăng ký trên 15 nguyện vọng chỉ là 0,3%. Thậm chí nhiều em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng. Chỉ có một duy nhất thí sinh đăng ký tới 48 nguyện vọng.

Theo đó, bà Phụng cho rằng, mặc dù quy chế không giới hạn nguyện vọng nhưng không có nghĩa là sẽ có quá nhiều nguyện vọng tới mức không kiểm soát được như nhiều người lo lắng trước đó.

Tập trung vào 2 nhóm xét tuyển

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm nay Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký nguyện vọng không giới hạn, giúp các em lựa chọn được ngành mình yêu thích ở các trường có mức điểm trúng tuyển khác nhau.

Đối với các trường, khi thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì số thí sinh ảo sẽ tăng. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tránh tình trạng trúng tuyển “ảo” như năm ngoái. Năm 2016, hầu hết các trường đều thiếu chỉ tiêu dù có trường đã gọi trúng tuyển với tỷ lệ đến 150% so với chỉ tiêu đề ra.

Ở khu vực phía Bắc, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì nhóm xét tuyển với hơn 45 trường đã đăng ký tham gia đến thời điểm này (các trường từ Hà Tĩnh trở ra); còn ở phía Nam cũng có khoảng 60 trường dự kiến (từ Quảng Bình trở vào) tham gia nhóm xét tuyển do Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM (Đại học Quốc gia TP HCM) chủ trì.

Quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ GD&ĐT quy định, thí sinh được đăng ký xét tuyển với số NV không hạn chế trong xét tuyển đợt 1. Danh sách NV phải được xếp theo thứ tự ưu tiên; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 NV cao nhất có thể trong danh sách.

Nguyên tắc của nhóm GX (xét tuyển chung của 12 trường ĐH phía Bắc năm 2016) mở rộng năm nay là tôn trọng tối đa quyền tự chủ của các trường tham gia, việc tham gia nhóm không ảnh hưởng gì tới quy định của từng trường, đặc biệt là thang điểm...

Các trường trong nhóm sẽ sử dụng dữ liệu đăng ký xét tuyển và kết quả thi THPT Quốc gia năm 2017 do Bộ GD&ĐT cung cấp để thực hiện xét tuyển đợt 1. Các trường cũng sử dụng chung phần mềm xét tuyển do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì chịu trách nhiệm quản lý.

Tôn trọng tính tự chủ của các trường

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc xét tuyển theo nhóm sẽ có lợi cho các trường và thí sinh. “Nếu từng trường xét tuyển độc lập sẽ rất khó loại được thí sinh “ảo”, vì có thí sinh trúng tuyển vào trường này nhưng lại còn đậu vào nhiều trường khác. Các trường cũng sẽ không biết lấy bao nhiêu điểm chuẩn cho vừa để có số lượng thí sinh đến nhập học đạt đủ chỉ tiêu.

Còn khi các trường xét tuyển theo nhóm lớn, danh sách trúng tuyển dự kiến của từng trường được gửi về Bộ GD&ĐT. Phần mềm của Bộ GD&ĐT sẽ chạy để mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển nguyện vọng duy nhất, sau đó chuyển về cho các trường trong nhóm xác định với nhau và thống nhất điểm chuẩn. Bộ GD&ĐT sẽ chạy phần mềm một lần nữa để lọc thí sinh “ảo” ở miền Bắc và miền Nam.

Sự hình thành và phát triển các nhóm trường chung vừa qua cho thấy xu hướng đổi mới trong tuyển sinh ĐH ở Việt Nam. Điều này sẽ giúp các trường tự chủ hơn trong tuyển sinh đầu vào.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Xét tuyển theo nhóm, các trường sẽ có rất nhiều lợi thế và quyền tự chủ tuyển sinh không bị ảnh hưởng. Việc các trường tham gia nhóm xét tuyển giúp xác định được điểm chuẩn phù hợp, giảm thiểu rủi ro tình trạng thí sinh ảo như xét tuyển độc lập”.

Theo kế hoạch, các trường xét tuyển độc lập (không tham gia nhóm nào) và 2 nhóm trường sẽ xét tuyển trong 3 ngày, từ ngày 25 đến 28/7. Sau đó, dữ liệu sẽ được đưa lên Bộ GD&ĐT để lọc những thí sinh dịch chuyển từ phía Bắc vào phía Nam và từ phía Nam ra phía Bắc. Phần mềm của Bộ GD&ĐT sẽ chỉ còn phải lọc rất ít.

Theo phân tích của Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Hoàng Minh Sơn thì nguyên tắc của nhóm là tôn trọng tối đa quyền tự chủ của các trường. Do đó, việc tham gia nhóm không ảnh hưởng đến quy định của từng trường trong xét tuyển.

Khoảng 60% số câu hỏi kiểm tra kiến thức

Trao đổi với báo chí về công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để phục vụ cho việc xây dựng đề thi của kỳ thi, TS. Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, Bộ GD&ĐT đã tiến hành triển khai hoạt động .Tuy nhiên, đây mới chỉ là hoạt động xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

Khi tổ chức kỳ thi chính thức, Bộ sẽ thành lập hội đồng đề thi gồm các chuyên gia môn học có kinh nghiệm trong chuyên môn và trong công tác xây dựng đề thi, làm việc theo hình thức cách ly hoàn toàn để chính thức chọn lựa các câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa nhằm xây dựng đề thi phục vụ cho kỳ thi.

Ngoài ra, đề thi năm nay sẽ bảo đảm khoảng 60% số câu hỏi kiểm tra kiến thức, kỹ năng cơ bản để đánh giá học sinh đạt kết quả tốt nghiệp THPT (ở mức độ nhận biết và thông hiểu), 40% số câu kiểm tra kiến thức, kỹ năng nâng cao để phân hóa học sinh (ở mức độ vận dụng và vận dụng cao).

Điểm khác biệt so với đề thi các môn thi trắc nghiệm của các năm trước đây là câu hỏi trong đề thi năm nay sẽ được sắp xếp theo trật tự lần lượt từ câu hỏi dễ đến câu hỏi khó ở tất cả các mã đề nhằm đánh giá sát thực hơn nữa năng lực của các thí sinh.

Công bố đề minh họa

Hôm nay (14/5), Bộ GD&ĐT công bố đề thi thử nghiệm theo dạng bài thi thật, mỗi phòng thi có 24 mã đề thi khác nhau. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc công bố đề thi minh họa theo dạng bài thi như đề thi thật sẽ giúp thí sinh hình dung bài thi của mình như thế nào để thí sinh tập dượt và chuẩn bị tinh thần trước khi bước vào kỳ thi.

Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia có thêm tổ hợp môn và nhiều môn thi theo hình thức trắc nghiệm nên với việc công bố đề thi minh họa sẽ góp phần giúp thí sinh, giáo viên dựa vào đó để chuẩn bị ôn tập và giảng dạy.

Khánh Vân