Tuyên chiến với thực phẩm bẩn

Việt Thắng 06/06/2017 08:35

Ngày 5/6, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Theo ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác, thấy tội ác mà không lên tiếng đấu tranh, tố giác, nhắm mắt làm ngơ thì có khác gì là sự thỏa hiệp bắt tay với cái ác.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: Quốc Anh).

Những con số thay lời nói

Kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy, từ năm 2011 đến tháng 10-2016, tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra khá phức tạp, vẫn là một thách thức lớn trong công tác an toàn thực phẩm (ATTP). Toàn quốc đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. Trung bình mỗi năm có khoảng 167 vụ với hơn 5.000 nạn nhân, khoảng 27 người chết.

Cơ quan điều tra các cấp khởi tố 1 vụ, 3 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP, đã khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP theo các tội danh khác. Việc xử lý vi phạm như vậy còn chưa nghiêm, nhiều vụ nghiêm trọng xong việc xử phạt không tương xứng với mức độ vi phạm, số vụ xử lý hình sự quá ít so với mức độ nghiêm trọng xảy ra, không tạo ra sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong ATTP.

Phân tích thêm, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) đưa ra dẫn chứng: Theo kết quả điều tra dư luận xã hội về ATTP do Văn phòng Quốc hội tiến hành cho thấy, chỉ có 10% người được hỏi rất yên tâm với thực phẩm sử dụng hằng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27% khẳng định không yên tâm. Theo báo cáo của Chính phủ trong giai đoạn 2011-2016, đã kiểm tra theo kế hoạch trên 3 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh; có trên 20% số cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP. Trong thời gian qua có 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm mới chỉ là tảng băng, ngoài ra ít nhất có hàng chục triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm chưa kể các bệnh khác tích tụ thông qua chất nguy hại.

Vệ sinh an toàn phẩm là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm. (Ảnh: T.L.).

Trách nhiệm thuộc về ai?

Đó là câu hỏi được nhiều ĐBQH đặt ra khi có 3 cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề này như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương nhưng lại chưa rõ trách nhiệm. Theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước còn chung chung, có 3 Bộ chịu trách nhiệm về vệ sinh ATTP, rồi cả chính quyền địa phương nhưng báo cáo không nêu rõ phạm vi trách nhiệm đến đâu, yếu kém ở đâu là chính.

Theo ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), chúng ta đã từng kêu gọi sự tử tế từ người kinh doanh thực phẩm nhưng những gì ta nhận được là sự phản ứng yếu ớt, lợi nhuận đã bao trùm lên ý chí và chi phối những hành động thiếu lương tri của họ. Chúng ta cũng đã phải chờ đợi quá lâu để cùng nhau giải bài toán quản lý nhà nước về ATTP, thế nhưng đến nay đáp số của bài toán đó vẫn chưa có lời giải đáp.

Theo ông Nhân, một khi tấm lòng đã đến giới hạn thì lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật. Trên hết là tinh thần nhập cuộc và sự tuyên chiến không khoan nhượng của cộng đồng người tiêu dùng. Phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác, thấy tội ác mà không lên tiếng đấu tranh, tố giác, nhắm mắt làm ngơ thì có khác gì là sự thỏa hiệp bắt tay với cái ác.

Tạo cơ chế để người dân tố giác

Chỉ phạt 200 ngàn đồng nên không có tính răn đe

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, thanh tra nhiều, nói nhiều đến quản lý nhà nước nhưng còn một mảng ít nói đến là doanh nghiệp và nhà sản xuất chưa nghiêm, coi thường sức khỏe của dân nên có việc bơm chất vào tôm, rồi thịt hỏng thì lại mang làm chà bông. Vì lợi nhuận mà quên đi, cố tình làm trái vì lợi nhuận. Qua kiểm tra mấy xe tải nước giải khát nhưng chỉ pha phẩm màu, nước lã và đường hóa học. Quản lý nhà nước có “chiếc gậy” là thanh kiểm tra nhưng xử lý còn nhẹ, chỉ phạt 200 ngàn quá thấp nên không có tính răn đe. Chúng ta bàn về trách nhiệm nhiều của bộ, ngành nhưng chính quyền địa phương ít nói đến.

Đề cập đến vấn đề giải pháp, ĐB Nguyễn Hoàng Mai đề nghị, cần tăng cường trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp. Cần thiết lập đường dây nóng dễ nhớ như kiểu số điện thoại 113, 114 để dân phản ánh hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời kiểm soát chất xả thải từ các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất vì nhiều nơi thực phẩm bị nhiễm từ chất thải của các nhà máy này. Các hương ước tự quản xử lý vấn đề tại cộng đồng rất tốt cho nên UBND xã cần đưa vào hương ước việc thực hiện để tránh việc mỗi hộ gia đình có “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”. Phát huy vai trò của MTTQ và các cơ quan dân cử trong giám sát, hàng năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội việc thực hiện, UBND các cấp báo cáo HĐND cùng cấp của mình.

Còn ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) đề nghị, để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH có điều kiện giám sát thì mỗi năm Chính phủ phải cho biết giảm bao nhiêu phầm trăm vụ ngộ độc thực phẩm so với năm trước, phấn đấu đến năm 2020 có 100% các tỉnh, thành triển khai quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung. “Đảm bảo phân định rõ trách nhiệm, tập trung đầu mối, cơ quan chủ trì, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Phân công rõ trách nhiệm người đứng đầu của các ngành chức năng từ Trung ương đến cơ sở trong các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu, lưu thông trước khi đến tay người tiêu dùng. Đồng thời cần xây dựng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP. Duy trì thường xuyên, thực chất công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh ATTP và cán bộ công chức lạm quyền bao che, dung túng cho thực phẩm bẩn”-ông Toàn nói.

Giải trình thêm vè những vấn đề ĐBQH nêu về ATTP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là cuộc giám sát quy mô. Ngay trước khi Quốc hội có kế hoạch giám sát thì Chính phủ và MTTQ Việt Nam đã bàn đến giám sát về vệ sinh ATTP. Ngay sau khi có thông tin này nhiều địa phương đã cố gắng làm tốt hơn. Tại thời điểm đó Ngân hàng Thế giới cũng có nghiên cứu về vấn đề này và công bố kết quả cùng thời điểm với chúng ta với kết quả hơn 100 trang, trong đó có nhiều nhận định giống nhau. Báo cáo của Ngân hàng thế giới họ đánh giá hệ thống pháp luật của ta đi đầu trong khu vực chỉ có năng lực thực hiện chưa theo kịp. Giữa các bộ vẫn còn cắt ngang là do thực hiện chưa tốt. Cơ chế điều phối ở bộ ngành, tỉnh, thành phố của ta nhiều nơi chưa thực hiện được. Vấn đề quan trọng là người đứng đầu ở các cấp. Trước hết thực thi pháp luật phải nghiêm.

Tuổi thọ sức khỏe là 74 hay 56?

Giải trình, dẫu thừa nhận những yếu kém mà kết quả mà đoàn giám sát của Quốc hội nêu, song Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các kết quả khác của văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, chúng ta đã đưa tuổi thọ bình quân của nhân dân lên 74 tuổi. Hai chỉ số này chứng minh trong 5 năm vừa qua và giai đoạn trước chúng ta đã có một bước cố gắng tích cực.
Tuy nhiên ngay sau đó, ĐB Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh tranh luận và cho rằng, Bộ trưởng nói về tuổi thọ trung bình nghe thì rất lạc quan về tuổi thọ, sức khỏe hiện nay tăng lên 74 tuổi. Tuy nhiên vấn đề ở đây là tuổi thọ về sức khỏe chứ không phải tuổi thọ trung bình. “Theo như báo cáo hiện nay, tuổi thọ sức khỏe của dân mình là 56 tuổi. Như vậy 18 năm còn lại sống trong bệnh tật. Với tuổi thọ tăng lên đó là điều lạc quan, tuy nhiên về tuổi thọ sức khỏe thì cần có đánh giá chính xác để thấy trong bảo vệ vệ sinh an toàn thực phẩm cho sức khỏe người dân Việt Nam, bảo vệ giống nòi là một vấn đề mà chúng ta quan tâm, đặc biệt với những đánh giá các chỉ tiêu và số liệu”- bà Châu nêu rõ.

Việt Thắng