Biên tập viên Nguyễn Ngân: Dừng chân trên những nẻo đường

Lam Nhi (thực hiện) 04/06/2017 11:15

Với những người thường xuyên theo dõi chương trình thời sự của VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam thì biên tập viên (BTV) Nguyễn Ngân là một cái tên không hề xa lạ. Cô gái nhỏ nhắn nhưng luôn xông xáo, có mặt ở nhiều vùng miền trên khắp cả nước, từ miền núi, hải đảo đến những nơi đang xảy ra thiên tai, thảm họa…

Ngay cả những phóng sự về Hà Nội của Ngân cũng tạo ra những ấn tượng rất riêng khi đặt ra những vấn đề tưởng nhỏ nhưng không nhỏ, rất đặc trưng dưới góc nhìn của một nhà báo nữ. Chia sẻ cùng độc giả Tinh hoa Việt, BTV Nguyễn Ngân cho biết:

- Hồi đi học, bố mẹ muốn tôi trở thành cô giáo. Bản thân tôi từng mơ ước vào Học viện An ninh nhưng vì quá bé nhỏ nên đã bị loại ngay từ vòng sơ tuyển. Sau này nghĩ lại tôi cũng thấy, việc này đã tạo cơ hội cho tôi có duyên đến với nghề báo.

Sự say mê với công việc này hình thành trong quá trình tôi vừa học vừa làm.

Ngay từ năm thứ nhất, tôi đã tham gia vào một nhóm cộng tác viên cho chương trình Thời sự học đường ở VTV1. Tôi và một vài người bạn nữa cũng đi quay phóng sự về đời sống sinh viên, về giới trẻ… những đề tài rất phù hợp với chất sinh viên của chúng tôi khi đó.

PV:Nghĩa là bạn chạm nghề báo rất sớm?

BTV Nguyễn Ngân: Vâng. Phóng sự đầu tay của mình nhỏ nhắn xinh xắn thôi và là những góc nhìn trong trẻo về đời sống học đường. Quá trình vừa học vừa làm khiến mình lớn dần lên. Kiến thức trong nhà trường và cuộc sống, trong công việc liên quan chặt chẽ với nhau.

Từ những bỡ ngỡ ban đầu, khi một phóng sự quay đi quay lại rất nhiều lần, rồi không biết phải lên kịch bản thế nào, viết lời bình ra sao, dựng thế nào… Trường chúng tôi có một CLB truyền hình và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các thầy cô. Rất nhiều đêm tôi ở lại trường muộn để làm phóng sự đến nỗi các chú bảo vệ ở trường quen mặt…

Năm thứ 2, ở VTV3 có tuyển cộng tác viên cho chương trình Đường lên Đỉnh Olympia, Ai là triệu phú… thì tôi cũng được nhận vào Đài làm. Thời gian làm ở đây giúp tôi hiểu được trong môi trường truyền hình cần kỷ luật nguyên tắc, cách sắp xếp thời gian làm việc sao cho hợp lý, khoa học nhất.

Công việc ở Ban thời sự chính thức bắt đầu với Ngân như thế nào?

- Môi trường làm việc ở Đài truyền hình, đặc biệt là Ban thời sự chúng tôi rất nghiêm khắc và kỷ luật. Tôi được tham gia vào một nhóm nhỏ để làm chương trình Chào buổi sáng, trong đó tôi thực hiện những phóng sự về những nhân vật và tình yêu Hà Nội, nét văn hóa của người Hà Nội... trong chuyên mục Hà Nội 36 góc nhìn. Làm liên tục trong hơn 1 tháng, ngày đi quay, tối về dựng, thành quả của tôi là mười mấy góc nhìn về Hà Nội được nhiều người đánh giá tốt.

Và sau đó Phòng Chào buổi sáng chính thức được thành lập, với tôi là những tháng ngày không thể quên. Đến bây giờ nhiều khi vẫn không thể tưởng tượng thời điểm đó mình lại bền sức như vậy.

Bền sức, đó thường là ưu điểm của đàn ông hơn là phụ nữ trong công việc nói chung và với nghề báo nói riêng, Ngân có nghĩ thế không?

- Sức bền và sự mạnh mẽ - hai yếu tố này nhìn chung phóng viên nam luôn có lợi thế hơn so với phóng viên nữ. Nhưng ở mảng đề tài tôi đang làm, về cuộc sống con người, đòi hỏi câu chuyện nhân văn, xúc động thì phù hợp với phóng viên nữ hơn. Góc nhìn nữ giới cũng giúp tôi kể câu chuyện một cách nhân văn và mềm mại hơn. Trong đó có những phóng sự đặt ra những vấn đề tưởng nhỏ nhưng không nhỏ, rất đặc trưng của góc nhìn nhà báo nữ với sự nhạy cảm, tinh tế.

Còn có điều gì mà một nhà báo nữ như Ngân đã từng trải nghiệm hoặc nghĩ rằng nhờ có lợi thế là nữ mà mình thực hiện thành công?

- Khi xuất hiện ở những sự việc mang tính thời sự, bất cứ một phóng viên nữ nào cũng dễ được yêu quý hơn! Ví dụ, rất nhiều người tôi chưa gặp bao giờ nhưng đã viết thư, nhắn tin… để bày tỏ sự yêu quý, sẵn sàng giúp đỡ mình khi có cơ hội…

Tôi cảm nhận rằng khi mình nhìn mọi sự việc dưới góc nhìn nhân văn thì khán giả cũng sẽ nhìn những phóng sự của mình, nhìn mình với góc nhìn như vậy. Và với lợi thế của phụ nữ, tôi thấy mình dễ chia sẻ cảm xúc, cảm nhận cuộc sống mềm mại hơn.

Sự trưởng thành từ một sinh viên báo chí cho đến một biên tập viên thời sự như hôm nay hẳn không dễ dàng?

- Công việc làm báo hình đòi hỏi sự nỗ lực của cả một tập thể. Ngày xưa, tôi làm khá chậm. Bây giờ các chị vẫn kể lại chuyện 6h hơn phát sóng mà 5h chưa thấy Ngân nộp băng. Nhưng mọi người đều hiểu là tôi đang ngồi đâu đó xung quanh đây chứ không phải đi về nhà mà bỏ quên công việc. Nghĩ lại, lúc đó không hẳn là vì chưa thạo việc mà chủ yếu do tôi là người cầu toàn, rất kỹ tính trong công việc nên những ngày đấy tôi rất khắt khe với bản thân mình, với những sản phẩm của mình. Bây giờ đã đỡ đi nhiều! (cười)

Tôi hiểu mình phải đẩy nhanh tiến độ công việc lên bởi đằng sau mình còn rất nhiều người khác, chẳng hạn thư ký biên tập là người nhận file phát sóng đó của tôi, nếu mình làm muộn thì tâm lý mọi người sẽ không yên tâm. Tôi không để mọi người đợi mình nữa.

Theo dõi những phóng sự của Ngân thì thấy ngoài yếu tố tin tức, dấu ấn cá nhân rất rõ.

- Đúng vậy. Phóng sự thời sự ngoài yếu tố tin tức thông tin thì còn là quan điểm dấu ấn cá nhân của từng người. Đó là thành công của phóng sự truyền hình.

Chính vì vậy, nhiều người nhớ đến phóng sự của mình vì nghe giọng nói thôi. Cũng có khi mình quyết định lên hình để kể lại điều mình cảm thấy ấn tượng nhất. Tôi đặt mình vào vị trí khán giả để nghĩ khi họ xem phóng sự của mình, họ muốn xem điều gì? muốn nghe người dân ở đó kể chuyện gì? muốn nhìn thấy cái gì ở đây? Vì vậy, tôi kể những câu chuyện gần gũi, không quá to tát nhưng vẫn khiến người ta nhớ.

Đằng sau lớp thông tin còn là giá trị cuộc sống, giá trị nhân văn, ở những sự trăn trở về thân phận con người, về những vấn đề còn tồn tại trong xã hội. Đó là tính cách của người dân Việt mình và tâm lý đón nhận thông tin của khán giả mình cũng y hệt vậy.

Bạn có bao giờ chuẩn bị sẵn nội dung dẫn hiện trường ở nhà? Và học thuộc lời dẫn?

- Nhiều người từng hỏi tôi điều này. Tôi chưa bao giờ viết sẵn nội dung ở nhà. Cũng không bao giờ học thuộc lời dẫn mà ra hiện trường thấy gì ấn tượng nhất sẽ nói. Nếu nghĩ trước ngay từ nhà thì sẽ không thể là 1 phóng sự hấp dẫn.

Muốn làm được điều đó cần sự nhạy cảm để quan sát những thứ xung quanh mình, những chi tiết của cuộc sống, sự vận động, những cái mình thấy xúc động, có cảm xúc thì sẽ kể với khán giả hay nhất. Cách dẫn sao cho tự nhiên, kể cả trên gương mặt, điệu bộ cử chỉ khi lên hình (gọi chung là ngôn ngữ cơ thể) làm sao gần gũi nhất với khán giả. Ngay từ trang phục phải lịch sự nhưng gần gũi với khán giả, dẫn làm sao để khán giả thấy đây là một người đang có mặt ở hiện trường, đang cùng với những người dân ở đây và họ sẽ kể cho khán giả nghe về điều khán giả quan tâm.

Ngân có phải là người dẫn hiện trường tốt ngay từ buổi đầu tiên vào nghề?

- Không đâu. Ban đầu tôi luôn trăn trở có cần phải xuất hiện trong phóng sự của mình không, dẫn thế có dài quá không? Làm nhiều nên sự trưởng thành nhanh hơn một chút.
Thực ra tôi hay có mặt ở những nơi mọi người dễ ấn tượng như miền núi, hải đảo, nơi đang xảy thảm họa thiên tai… Bất cứ ai, không phải tôi mà có mặt ở đấy thì mọi người cũng nhớ rồi.

Nhiều người nói tôi có gương mặt buồn, nhất là những ngày khi chúng tôi có mặt tại những vùng mưa lũ, làm việc quá sức, gương mặt mình cũng lộ rõ sự mệt mỏi không khác gì những người dân đang đối mặt với vùng lũ. Có lẽ vì thế mọi người nhớ đến mình chăng?

Cảm ơn Ngân về cuộc trò chuyện!

Lam Nhi (thực hiện)