Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Paris: Tìm cách thắt chặt quan hệ hợp tác

Khánh Duy 14/07/2017 07:25

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến công du tới châu Âu lần thứ hai chỉ trong vòng một tuần lễ, một chuyến đi mang ý nghĩa củng cố mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương trong bối cảnh xuất hiện nhiều sự hoài nghi ở cả hai bên.

Lãnh đạo Mỹ, Pháp ghì chặt tay nhau trong cuộc gặp gỡ đầu tiên (Nguồn:France24).

Chiếc phi cơ Không lực Một đã hạ cánh tại sân bay Orly, thủ đô Paris (Pháp) trong hôm 13/7. Từ đây, Tổng thống Trump đã tham dự nhiều cuộc họp tại Đại sứ quán Mỹ ở Paris, trước khi tham gia một buổi lễ đón tiếp trọng thể mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì.

Chuyến công du lần này diễn ra trong bối cảnh ông Trump đang bị bao vây bởi cuộc khủng hoảng chính trị ở trong nước, liên quan tới một cuộc gặp gỡ bí mật giữa con trai ông là Donald Trump Jr. và một luật sư Nga từ hồi ông đang tiến hành chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm ngoái.

Tại Pháp, lãnh đạo Mỹ cũng sẽ có chuyến thăm tới lăng mộ của Napoleon ở Les Invalides trước khi tham dự các vòng đối thoại về an ninh với Tổng thống Macron tại Điện Elysee. Hai nhà lãnh đạo sau đó sẽ nhận câu hỏi từ báo giới và cùng ăn tối tại một nhà hàng nổi tiếng tại tháp Eiffel.

Khác biệt và triển vọng hợp tác

Tổng thống Trump ít xuất hiện kể từ sau khi trở về nước Mỹ hôm thứ Bảy tuần trước từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hamburg, Đức, nơi mà ông có nhiều cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Macron, người đã chiến thắng cách biệt trong kỳ bầu cử hồi tháng 5 vừa qua và củng cố quyền lực bằng nhiều chiến thắng cho đảng của ông, đã tự nhận mình như một cây cầu nối giữa châu Âu và Mỹ - các cố vấn của ông cho hay. Thay vì cô lập ông Trump, Tổng thống Macron hy vọng sẽ cải thiện quan hệ với nhà lãnh đạo này.

Đứng ở vị trí lợi thế hơn nhiều so với Thủ tướng Đức Angela Merkel – người đang phải đối mặt với kỳ tái bầu cử khó khăn tổ chức vào tháng 9 tới – hay Thủ tướng Anh Theresa May – người mới chịu thất bại chính trị to lớn trong kỳ bầu cử sớm tháng trước – ông Macron đang có đà tiến chính trị mạnh mẽ đủ để ông có thể tập trung hơn vào việc cải thiện quan hệ với nước Mỹ.

Nhưng sự khác biệt giữa lãnh đạo hai nước là khá rõ rệt. Ở độ tuổi 39, ông Macron hiện là Tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp, trong khi ở tuổi 71, ông Trump lại là vị Tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ. Ông Trump từng ủng hộ đối thủ của ông Macron trong kỳ bầu cử Pháp là bà Marine Le Pen; trong khi người tiền nhiệm của ông là ông Barack Obama, lại ủng hộ ông Macron.

Trong lần gặp gỡ đầu tiên, hai nhà lãnh đạo đã thể hiện ngôn ngữ cơ thể khá mạnh bạo: Ông Macron siết chặt tay ông Trump, trong khi hai nhà lãnh đạo nhìn chằm chằm vào nhau.

Nhưng trong lần gặp gỡ tại G20, cả hai dường như thoải mái hơn. Lãnh đạo Pháp dường như chủ ý đứng sát ông Trump trong lúc chụp ảnh, điều cho thấy tín hiệu ông muốn đóng vai trò như “điểm liên hệ” với châu Âu của ông Trump.

Dù chỉ trích mạnh mẽ việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ông Macron vẫn mong muốn thắt chặt quan hệ an ninh với nước Mỹ.

Điểm dừng chân của ông Trump tại Paris cũng vào thời điểm kỷ niệm lần thứ 100 ngày Mỹ chính thức tham gia vào Thế chiến I, và trong bối cảnh cả hai nước đều tập trung vào vấn đề an ninh, mà phía Nhà Trắng từng hé lộ là sẽ bàn về vấn đề Syria và các nỗ lực chống khủng bố.

Ông Macron đang hy vọng rằng Tổng thống Trump sẽ ủng hộ nước Pháp đóng vai trò lớn hơn đối với an ninh toàn cầu. Pháp hiện đang là nước đóng góp lớn thứ hai trong liên minh quân sự chống IS mà Mỹ dẫn đầu, là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và là nhân tố chính trong các nỗ lực chống khủng bố ở khu vực Bắc Phi.

Diễu binh chung

Trong hôm 14/7, Tổng thống Trump sẽ trở thành vị khách danh dự hiện diện tại buổi lễ diễu binh mừng ngày Quốc khánh Pháp. Quân đội Mỹ cũng sẽ tham gia buổi diễu binh này, bên cạnh các lực lượng của Pháp tại Đại lộ Champs-Elysee trong buổi lễ được xem như biểu tượng của mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước.

Trong lúc mà kỳ họp thượng đỉnh G20 tại Đức vừa qua diễn ra nhiều cuộc biểu tình, thì người Pháp không hề tổ chức các cuộc tuần hành quy mô lớn như vậy khi Tổng thống Trump tới thăm. An ninh cũng được thắt chặt hơn, với 11.000 sỹ quan cảnh sát được triển khai trên các tuyến phố ở Paris.

Các biện pháp trên là một phần mở rộng cửa tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại Pháp, kể từ sau vụ tấn công đẫm máu hồi tháng 11/2015. Tổng thống Trump cũng từng nói bông đùa về tình trạng an ninh ở Paris, rằng “Paris đã không còn là Paris nữa” và cho rằng thành phố này đã tràn ngập những kẻ cực đoan.

Khánh Duy