Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Thanh Giang 21/07/2017 08:35

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TP HCM nói riêng và cả nước nói chung. Dự kiến, trong thời gian tới bệnh sẽ tiếp tục gia tăng. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong buổi đi khảo sát và làm việc tại TP HCM về công tác phòng chống và điều trị về dịch bệnh SXH ngày 19/7.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm bệnh nhân SXH tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

SXH tăng ở các quận – huyện vùng ven

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, thành phố là địa phương có số ca mắc SXH chiếm 32 % so với toàn khu vực phía Nam và đứng thứ 2/20 tỉnh - thành của khu vực. Tỷ trọng này đang tăng dần theo các năm. Thống kê cho thấy, trong tuần 28 thành phố ghi nhận 498 ca tăng 23 % so với tuần trước đó. Từ đầu năm đến nay thành phố có 10.157 ca tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016 (8.601 ca).

Trung tâm Y tế Dự phòng TP thông tin, hiện 18/24 quận - huyện có số ca SXH nhập viện tăng so với trung bình 4 tuần trước, những quận huyện có số ca bệnh tăng cao và vượt mức báo động dịch như: quận 10, quận 11, Bình Thạnh, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh, Tân Phú, Bình Tân… Nhìn chung SXH chủ yếu tập trung ở các quận – huyện vùng ven, những quận mới được đô thị hóa. Nói về nguy cơ xảy ra tình trạng SXH hầu hết các quận – huyện khẳng định, dân nhập cư cao, đô thị hóa nhanh, các điểm thu mua phế liệu, quán cà phê, nhà trọ,… vẫn là một trong những nguyên nhân đẩy số ca SXH tăng cao trong thời gian qua.

Đơn cử, tại địa bàn quận Tân Phú, công trình xây dựng khá nhiều, điều này vô hình trung tác động trực tiếp đến công tác phòng chống dịch SXH. Riêng trong tuần 22 – 26 chỉ phát sinh dịch SXH ở phương Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) vì phường này có 40 dự án xây dựng. Trong đó, có 2 dự án xây dựng nhưng có đến 200 công nhân làm việc và tại đây xuất hiện 30 ca bệnh.

Đại diện huyện Bình Chánh cho hay, huyện có 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B có tỷ lệ số ca SXH chiếm 50% ca bệnh trong toàn huyện. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này từ giờ đến cuối năm, huyện sẽ có động thái hướng dẫn xử lý quyết liệt hơn giảm số ca SXH ở 2 xã này. Theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, số ca SXH ở 2 xã này giảm chắc chắn tổng số bệnh nhân của huyện cũng giảm.

Giảm dịch bệnh SHX bằng các giải pháp căn cơ

Trước tình trạng gia tăng số ca bệnh SXH, các quận – huyện chủ động phòng chống SXH. Một số quận – huyện lên kế hoạch phân chia công tác phòng chống dịch từ khu phố với định kỳ hàng tuần, thành lập đội phòng chống dịch ở khu phố. Cấp phường phân công các ban phụ trách, cấp quận thực hiện phòng chông dịch SXH ở các phường trọng điểm. Trường hợp hướng dẫn, tuyên truyền không nhận được sự hợp tác của người dân sẽ tiến hành xử phạt.

Ông Nguyễn Trí Dũng- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho hay, trong năm 2017 thành phố cũng đã ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào công tác phòng chống dịch. Khi phát hiện các ca bệnh SXH và Zika và một số dịch bệnh khác, các bệnh viện sẽ chuyển thông tin đến trung tâm y tế dự phòng thành phố hoặc trực tiếp về các trạm y tế để cập nhật. Trên cơ sở đó, các đơn vị tiếp nhận sẽ xác định được ngay vị trí trên bản đồ thông tin địa lý.

Trong thời gian tới, ngành y tế dự phòng thành phố sẽ tiếp tục triển khai mô hình kiểm soát dịch bệnh dựa vào cộng đồng, truyền thông nguy cơ tại khu dân cư nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch. Về công tác tiếp nhận và điều trị bệnh, đại diện một số bệnh viện khẳng định, đã sẵn sàng về chuyên môn, thuốc điều trị, đồng thời hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới để hạn chế số ca SXH nặng, giảm tải tuyến trên.

Qua buổi giám sát tại BV bệnh Nhiệt Đới và quận – huyện, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao về công tác điều trị và phòng chống dịch tại thành phố. Tuy nhiên Thứ trưởng Nguyễn Thành Long cũng cho rằng vẫn còn tình trạng xuất hiện ổ lăng quăng trong khu vực sống của người dân. Chính vì vậy, người dân và chính quyền địa phương cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh, diệt muỗi, diệt lăng quăng. Lãnh đạo ngành Y tế bày tỏ quan ngại nhất hiện nay về tình hình dịch SXH đó là tốc độ gia tăng của sốt Dengue cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, dịch đến sớm hơn so với mọi năm, năm ngoái khoảng tháng 8 - 9 là đỉnh của dịch còn năm nay ngay từ tháng 5 dịch đã bắt đầu lên.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị hệ thống điều trị phải có sự chuẩn bị để không bị động trong công tác điều trị, chẩn đoán sớm để tránh tình trạng tử vong.

Thanh Giang